Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Hồ Chí Minh:

Khánh thành công tình tu bổ, tôn tạo khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/4, Quận ủy, UBND quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo giai đoạn I - Di tích lịch sử cấp quốc gia “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh”.

Đến dự lễ khánh thành và dâng hoa, dâng hương trước tượng đài đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) có Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các ban, ngành của Thành phố.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực và phu nhân, cùng nguyên lãnh đạo Sở Y tế thắp hương trước tượng đài đồng chí Trần Phú. Ảnh: Tân Tiến.  
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực và phu nhân, cùng nguyên lãnh đạo Sở Y tế thắp hương trước tượng đài đồng chí Trần Phú. Ảnh: Tân Tiến.  

Di tích lịch sử cấp quốc gia “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh” nằm trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh). Việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia này được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024).

Bên trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh có Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh vào ngày 6/9/1931. Ảnh: Tân Tiến.
Bên trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh có Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh vào ngày 6/9/1931. Ảnh: Tân Tiến.

Đồng thời, việc tu bổ, tôn tạo còn có mục tiêu di tích phải xứng tầm quốc gia, đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tạo nên không gian lưu giữ, trưng bày mỹ thuật; khôi phục một công trình có giá trị lịch sử - văn hóa; cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều người đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng không quên tới thắp hương trước tượng đài đồng chí Trần Phú. Ảnh: Tân Tiến.
Nhiều người đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng không quên tới thắp hương trước tượng đài đồng chí Trần Phú. Ảnh: Tân Tiến.

Dự án này còn tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động tưởng niệm. Nghiên cứu lịch sử, học tập thông qua việc trưng bày các nội dung bằng thực tế kết hợp với công nghệ hiện đại với nội dung liên quan đến cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư Trần Phú và các tiền bối cách mạng tiêu biểu khác.

Công nhân thi công dự án trước ngày khánh thành giai đoạn I. Ảnh: Tân Tiến.
Công nhân thi công dự án trước ngày khánh thành giai đoạn I. Ảnh: Tân Tiến.

Bệnh viện Chợ Quán được thành lập vào năm 1862, đến nay được công nhận là “Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam”. Trong thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn và giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng tại khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần nằm trong Bệnh viện Chợ Quán.

Công nhân thi công trước ngày khánh thành giai đoạn I dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh”. Ảnh: Tân Tiến.
Công nhân thi công trước ngày khánh thành giai đoạn I dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh”. Ảnh: Tân Tiến.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú đã bị bắt tại nhà số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3). Sau khi giam giữ ở nhiều trại giam khác nhau và tra tấn dã man đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, thực dân Pháp chuyển đồng chí Trần Phú về trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán vào ngày 26/8/1931. Đến ngày 6/9/1931, trước khi qua đời, Tổng Bí thư Trần Phú có câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Ngày 16/11/1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

 

Dự án tu bổ, tôn tạo Khu trại giam bệnh viện Chợ Quán có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1, tu bổ nhà giam được thực hiện theo nguyên trạng, quy mô 822m2 trong khu đất di tích với diện tích 2.211,5m2. Dự án thuộc nhóm C, với tổng mức đầu tư 33,808 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Giai đoạn 2, mở rộng diện tích, xây nhà mới để tiếp khách tham quan - Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, nhà trưng bày các hiện vật.