Khánh thành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/4, tại Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến dự, phát biểu chỉ đạo và cắt băng khánh thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đây là tuyến cao tốc dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc huyện Châu Thành (tiếp nối cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương - PV), điểm cuối là nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), kết nối vào dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7 giờ 30 ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.

Đây là thời gian để triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc, trừ: xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h; máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đại biểu cắt băng khánh thành dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đại biểu cắt băng khánh thành dự án.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và đất nước nói chung. Dự án khởi công lần đầu từ tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018, dự án chỉ mới hoàn thành được hơn 10% tiến độ.

Bước sang năm 2019, dự án vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến liên danh các nhà đầu tư rơi vào bế tắc như: không huy động được nguồn vốn vì tất cả các phương án tài chính đều bị phá vỡ; 1 trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư liên quan đến nhiều vụ án hình sự; tuyến đường có 45km đi qua vùng đất có địa chất yếu cần được xử lý; chi phí vận chuyển vật liệu leo thang…

Tháng 3/2019, dự án được chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang UBND tỉnh Tiền Giang; Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án thông qua doanh nghiệp dự án (DNDA) là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tháng 8/2019, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh hồ sơ dự án với tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2019, trong chuyến kiểm tra thực địa ở công trường dự án, Thủ tướng Chính phủ đã trao quyết định giao vốn ngân sách nhà nước ngay tại công trường. Đến tháng 12/2019, nguồn vốn tín dụng cũng đã được khơi thông.

Trong 2 năm tiếp theo (2020 - 2021), dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm làm việc “3 xuyên”: “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch”… cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến đúng theo cam kết với Chính phủ.

DNDA sẽ tiếp tục phối hơp cùng UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết các tồn tại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn giao thông, tố chức đánh giá quá trình khai thác để hiệu chỉnh trước khi đi vao thu phí hoàn vốn cho dự án.

Chính thức khánh thành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Chính thức khánh thành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt phấn đấu hoàn thành 3000km đường cao tốc vào năm 2025; 5000km đường cao tốc vào năm 2030. Đến thời điểm 31/12/2021, chúng ta mới hoàn thành 1163km đường cao tốc. Như vậy, còn 4 năm và nhiệm vụ rất nặng nề đặt ra là phải hoàn thành gần 2000km đường cao tốc.

Việc khánh thành đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài 51,5km, quy mô 4 làn xe có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361km đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, phấn đấu đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm phát triển bền vững khu vực ĐBSCL” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong vùng ĐBSCL, các nhà đầu tư, nhà thầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Các địa phương trong vùng ĐBSCL như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp… tập trung sự lãnh đạo, ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong năm nay khởi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau…

Các địa phương nghiên cứu mô hình, cách làm tại dự án để nhân rộng trong quá trình triển khai các dự án có điều kiện tương tự, góp phần thu hút nguồn lực xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra (3000km đường cao tốc vào năm 2025, 5000km vào năm 2030).

Đối với dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả. 

Bộ GTVT, chính quyền địa phương, DNDA xây dựng các quy định, hướng dẫn về quản lý vận hành, khai thác công trình, đảm bảo thông suốt, an toàn. Xây dựng bộ máy quản lý vận hành khai thác chuyên nghiệp, hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai thác (thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng, chỉ dẫn giao thông, cứu hộ, cứu nạn…).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần