Giống không bảo đảm
Với diện tích nuôi trồng thủy sản 110ha, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì là một trong những vùng thủy sản chủ lực của Hà Nội, mỗi năm cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 700 tấn cá, tôm các loại. Đây cũng là vùng sản xuất giống thủy sản chính cho TP, song sản lượng cung ứng ra thị trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Hoàng Văn Dũng, thôn 5, xã Đông Mỹ có ao nuôi thủy sản diện tích 1,7 mẫu chia sẻ, có năm gia đình ông mua cá giống bên Bắc Ninh nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 70%, trong khi tỷ lệ sống của cá giống mua tại địa phương đạt 80 - 90%. Không những thế, một số điểm bán cá giống còn cân thiếu, dẫn tới hao hụt số lượng cho người nuôi. "Dù còn nhiều lo ngại, song do lượng cá giống trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nên nhiều hộ dân vẫn phải sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên... để mua giống" - ông Dũng cho biết.
Tại xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, hầu hết người NTTS phải đi mua giống ở nơi khác do địa phương chưa có cơ sở sản xuất giống. Theo ông Hoàng Tiến Lộc - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đống Long, xã Hòa Lâm, toàn HTX có 146 hộ NTTS với diện tích 69,3ha, sản lượng cá đạt 600 - 700 tấn/năm nhưng khâu yếu nhất vẫn là con giống. Do mua giống từ nơi khác nên việc kiểm soát chất lượng con giống gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lộc nêu dẫn chứng, nhiều hộ gia đình mua cá chép lai 3 máu Ấn Độ với giá 2.000 đồng/con nhưng khi cá lớn mới "ngã ngửa" vì đó là giống cá chép tròn! Hoặc có hộ mua cá rô phi đơn tính, sau một tháng nuôi, đàn cá đẻ đầy ao (!)(cá rô phi đơn tính không sinh sản được - PV).
Theo Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội, ngay từ đầu năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với 8 cơ sở sản xuất giống được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đàn cá bố mẹ để tuyển chọn phân đàn. 8 tháng đầu năm, kết quả sản xuất cá giống toàn TP đạt 977 triệu con các loại. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn phải nhập một số giống cá mới như cá Lăng, cá rô phi Đường Nghiệp với tổng số 50 vạn con để phục vụ NTTS trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai mô hình nuôi lươn trong bể composite tại xã Thanh Thùy (Thanh Oai) và Đồng Tâm (Mỹ Đức). Đây là mô hình triển khai gặp rất nhiều khó khăn do phải nhập giống từ miền Nam.
Tập trung vào chất lượng
NTTS đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao trong sản xuất nông nghiệp và được nhiều nông dân quan tâm, nhất là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên, một khi số lượng và chất lượng con giống thủy sản chưa đảm bảo, sản xuất của người nông dân sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, các hộ NTTS đều bày tỏ mong muốn TP cũng như ngành nông nghiệp quan tâm quy hoạch, triển khai xây dựng các bể ươm cá sản xuất giống ngay tại địa phương, cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng cho người dân.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho rằng, hiện nay trong số các giống cá truyền thống, cá chép đứng đầu về hiệu quả kinh tế. Năng suất bình quân của cá chép đạt gần 20 tấn/ha, thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, bà con phải lưu ý thâm canh với 80% cá chép loại 1. Về sản xuất giống, ông Thịnh khẳng định, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục chăm sóc đàn cá giống, cá hậu bị, cá ông bà, bố mẹ các loại theo đúng quy trình kỹ thuật để cho ra đời nguồn giống tốt.
Toàn TP có trên 30.000ha diện tích mặt nước NTTS, diện tích nuôi thâm canh ở các vùng chuyển đổi là 9.800ha với sản lượng 76.000 tấn. Để phát huy được thế mạnh này, trong thời gian tới, công tác sản xuất giống thủy sản phải được đặc biệt quan tâm. Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu, sản xuất thêm các giống mới, giống đặc sản của Hà Nội, tiến tới chủ động được nguồn giống thủy sản và từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành thủy sản Thủ đô.
Một khu nuôi thủy sản tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện
|