“Khát” nhân lực ngành Kỹ thuật Hóa học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, đến năm 2020, ngành Hóa chất - cao su và Chế biến thực phẩm cần khoảng 21.600 người mỗi năm. Tuy nhiên, hàng năm cả nước chỉ đào tạo được khoảng 4.000 lao động có trình độ đại học (ĐH) ngành Hóa học.

Thu nhập trung bình của kỹ sư Hóa học dao động từ 6 - 15 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực cá nhân. PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hóa học, ĐH Thủy lợi cho biết, đây là ngành học mới của trường, bắt đầu tuyển sinh năm 2016 theo 2 hướng chuyên ngành (Kỹ thuật Hóa vô cơ và Kỹ thuật Hóa hữu cơ). Sau khi ra trường, người học có thể làm việc tại các công ty sản xuất hóa chất, hàng tiêu dùng với vai trò cán bộ phòng kỹ thuật, quản lý phân xưởng, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm...; các công ty cung cấp phụ gia, hóa chất, hương liệu…; các công ty cung cấp thiết bị dùng trong ngành hóa học với vai trò nhân viên kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật hoặc làm ở các viện nghiên cứu, làm giảng viên các trường ĐH, chuyên viên ở các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ở Hà Nội hiện nay có 2 trường ĐH đào tạo ngành Kỹ thuật Hóa học là Bách khoa Hà Nội và Thủy lợi. Trong 4,5 năm học tại ĐH Thủy Lợi, sinh viên sẽ được học kiến thức đại cương, bao gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Chính trị, Xã hội, Kinh tế…; kiến thức cơ sở ngành và cơ sở khối ngành gồm những môn học lý thuyết và thực hành về Hóa học, quá trình và thiết bị. Ngoài ra, sinh viên được học những môn bổ trợ cho nghề như đồ họa kỹ thuật, tiếng Anh chuyên ngành… Kiến thức chuyên ngành gồm các môn học về công nghệ sản xuất sản phẩm. Trong khung đào tạo của nhà trường, sinh viên sẽ có 2 đợt xuống cơ sở thực tập, bao gồm 3 tuần kiến tập sản xuất và 8 tuần thực tập tốt nghiệp. Hiện, trường đã có kế hoạch liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sắc màu Việt Nam, Công ty CP Hóa dược Việt Nam... Sinh viên sẽ đến các đơn vị này thực tập, tiếp cận với công việc thực tế của kỹ sư Hóa học. Nếu thực sự có năng lực, các em sẽ được tuyển dụng vào làm việc.

Vì là ngành mới nên trường tuyển 70 chỉ tiêu để tập trung vào đào tạo chất lượng, với 3 tổ hợp môn (Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Anh, Toán - Hóa - Sinh). Chiến lược của nhà trường không chỉ đào tạo sinh viên ra làm trong các đơn vị Nhà nước, các công ty sản xuất sản phẩm phục vụ xã hội, mà có thể tự lập nghiệp cũng như tạo việc làm cho người khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần