Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát vọng của tôi là người nông thôn có sách đọc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Tôi muốn nông dân Việt Nam bắt tay bình đẳng với nông dân Nhật Bản, Mỹ, Israel…" là chia sẻ của anh Nguyễn Quang Thạch, người suốt 16 năm qua dành nhiều tâm sức cho việc đưa sách về nông thôn.

Từ bỏ các công việc có lương cao, anh thành lập Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng để "chở" hàng ngàn tủ sách về nông thôn.

Khát vọng của tôi là người nông thôn có sách đọc - Ảnh 1
 
Tiềm năng đọc ở khu vực nông thôn rất lớn

102 tủ sách dòng họ, 1.000 tủ sách phụ huynh được thực hiện ở vùng nông thôn là những con số đáng kể. Anh đã phải làm những gì trong 16 năm qua để ý tưởng "sách hóa" nông thôn có được kết quả ấn tượng trên?

- Trong 10 năm, từ 1997 đến 2007, tôi bỏ tiền túi để nghiên cứu, thiết kế các mô hình tủ sách nông thôn. Tháng 3/2007, tôi bỏ thêm 5 triệu đồng và vay tiền ngân hàng để khởi động mô hình Tủ sách dòng họ. Sau khi có các dòng họ gọi điện đến để xin sách, tôi đã gặp các nhà văn, nhà thơ, các trung tâm sách, công ty sách… để xin sách mang về nông thôn. Đến năm 2009, mô hình Tủ sách dòng họ nhận được khoản hỗ trợ từ một cuộc thi sáng kiến phục vụ xã hội là 400 triệu đồng. Tháng 6/2010, tôi cùng các thầy cô giáo trường THCS xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình bắt tay xây dựng Tủ sách phụ huynh đầu tiên. Tính đến hết năm 2012, riêng huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng được 900 Tủ sách phụ huynh (95% số lớp có tủ sách). Đúng mùng Một Tết Nguyên đán 2010, tôi đạp xe xuyên Việt trong trời mưa để kêu gọi ủng hộ sách cho nông thôn. 

Tháng 8/2011, tôi đi làm với mức lương 900 USD, nhưng tôi bỏ vì việc đưa sách về nông thôn cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Cũng trong năm 2011, tôi cùng với giáo xứ Trung Đồng, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình khởi động Tủ sách giáo xứ, đến nay đã có hơn 30 tủ sách được thành lập và đi vào hoạt động. Dự tính, năm nay cả nước sẽ có thêm 1.200 tủ sách. Năm 2014, 2015, tôi dự kiến sẽ phổ biến cách làm các mô hình tủ sách qua mạng internet, email, các phương tiện thông tin đại chúng… Tôi sẽ đạp xe vòng quanh thế giới để tạo cảm hứng cho người Việt hành động vì sách cho nông thôn. Tôi đặt mốc đến năm 40 tuổi sẽ hoàn thành về cơ bản việc xây dựng các tủ sách. Việc này có ma lực rất lớn đối với tôi, nên cũng không thể nói chắc chắn được.

Sau mô hình Tủ sách dòng họ và Tủ sách phụ huynh, anh sẽ tiếp tục mô hình nào?

- Tôi vừa triển khai mô hình Tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ tại xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Vì nhiều chiến sĩ có vợ là giáo viên ở nông thôn, họ là những người tiếp cận với sách nhiều nhất, có tri thức, có nhiều nguồn cảm hứng phục vụ cộng đồng. Tôi đã theo dõi cô giáo Lê Thị Vân quản lý Tủ sách dòng họ ở Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên và cô giáo Nguyễn Thị Hường, trường THCS An Phụ, Quỳnh Dục, Thái Bình, chồng là bộ đội Quân khu 1 quản lý. Cô Vân đã cho mượn 8.000 cuốn sách sau 3 năm có tủ sách. Nếu nhân rộng mô hình này, trong tương lai, chúng ta sẽ có khoảng 10.000 tủ sách ra đời và con số này không ngừng tăng lên. 
 
Vậy anh thấy việc đọc sách ở nông thôn nước ta hiện nay ra sao?

- Khi khảo sát các trường ở vùng thuần nông, chỉ số đọc sách khoảng 0,2 đến 0,8 đầu sách/1 học sinh/năm (ngoài sách giáo khoa). Các trường ở thị trấn đạt khoảng 5 cuốn/1 học sinh. Tức là ở nông thôn, các trường thị trấn và vùng thuần nông đã có sự khác biệt rất rõ ràng. Khi chúng tôi thực hiện mô hình Tủ sách phụ huynh ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, chỉ số này đã tăng đột biến với 300 học sinh, có 2.500 lượt sách được mượn về nhà và 30.000 lượt sách mượn đọc tại lớp. Điều đó cho thấy tiềm năng đọc tại khu vực nông thôn, đặc biệt là học sinh rất lớn. 

Phải chọn lọc sách để đưa về nông thôn

Anh ưu tiên đưa những loại sách nào về nông thôn?

- Phải chọn lọc sách để đưa về nông thôn, nếu không sẽ phản tác dụng. Sách văn học, nông nghiệp và y học, đạo đức và pháp luật, lịch sử và sách tổng hợp là những loại tôi ưu tiên. Có 4 cuốn mà tôi luôn luôn đưa vào tất cả các tủ sách dòng họ, đó là: "Khuyến học", "Truyện Kiều", "Trường Sa - Hoàng Sa: Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế" và "Từ điển Anh - Việt". 

Đưa sách về nông thôn là một cách khuyến khích cho văn hóa đọc, nhưng làm sao để ngày càng có nhiều người đọc sách?

- Theo tôi, để có văn hóa đọc cần phải giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn. Với chủ trương của Nhà nước hiện nay, chỉ cần Bộ VHTT&DL và Hội Khuyến học Việt Nam đưa tủ sách vào tiêu chí xây dựng "làng văn hóa", "dòng họ văn hóa", "dòng họ khuyến học"... thì sẽ có hàng chục triệu đầu sách do dân tự huy động về nông thôn. Khi sách đã có mặt mọi nơi mọi lúc thì chiến lược khuyến đọc mới có thể thực hiện được.

Riêng cá nhân tôi vẫn tiếp tục duy trì xây dựng Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách gia đình chiến sĩ để đáp ứng phần nào nhu cầu về sách của người dân nông thôn. Hưởng ứng Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013 do Bộ VHTT&DL tổ chức, Trung tâm của tôi sẽ tổ chức chương trình "Sách đổi sách". Công ty sách điện tử của Alezza đã tặng cho Trung tâm 50.000 thẻ sách điện tử để đổi lấy 50.000 đầu sách giấy cho nông thôn. Bạn đọc có thể mang sách cũ đổi lấy một thẻ sách điện tử. Toàn bộ số sách thu được sẽ đưa về nông thôn. 

Xin cảm ơn anh!

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 với chủ đề "Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời" diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 20/4. Nhiều hoạt động đặc sắc hướng tới văn hóa đọc sẽ được tổ chức: Dâng hương tại Điện thờ Chu Văn An, với thông điệp của UNESCO về Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4; Triển lãm giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; Trình diễn thơ và văn xuôi của chính các tác giả trẻ thuộc Ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam; Liên hoan Tuyên truyền giới thiệu sách của sinh viên các trường đại học có đào tạo nghề thư viện; Góc thư viện dành cho các em thiếu nhi; Giới thiệu và bán sách giá ưu đãi của các nhà xuất bản...