"Khẩu vị" của "thượng đế" mua nhà đang thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tế của thị trường, cộng với phân tích một cách độc lập của chuyên gia bất động sản cho thấy, tâm lý tiêu dùng đang có sự thay đổi. "Khẩu vị" của các "thượng đế" khi tìm mua các sản phẩm bất động sản cũng đang thay đổi.

Các chuyên gia chia sẻ sự bất ngờ khi khách hàng không chỉ quan tâm đến chỗ ở (tức căn nhà) mà người ta quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống. Chính vì vậy, giá không còn là yếu tố quyết định nhất trong các vụ mua bán nhà thời điểm này. 

Tỷ lệ giao dịch thành công khả quan 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, mặt bằng giá cả nhà ở 10 tháng qua tương đối ổn định, có tăng nhẹ khoảng 1-3% so với năm 2013. Thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý 3/2014, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội ở mức 102,7 điểm, tăng 2,4 điểm theo quý và giảm nhẹ 0,6 điểm theo năm. Chỉ số giá nhà ở theo kỳ cơ bản vẫn tiếp tục xu hướng giảm, ở mức 88 điểm trong quý 3/2014, tuy nhiên tăng 4 điểm so với quý 2/2014. 
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
Giá trung bình trong quý 3/2014 ở mức 25,2 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý. Các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Ba Đình có mức giá cao nhất do có vị trí trung tâm và nhiều dự án hạng cao được phát triển tại đây.

Trong khi đó, tại TP.HCM, chỉ số giá nhà ở trong quý 3/2014 ở mức 89,5; ổn định theo quý và tăng 0,7 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích tình hình thị trường cũng cho thấy, lượng giao dịch đang tăng dần đều 8 tháng đầu năm 2014. Tại Hà Nội có khoảng 6.150 giao dịch thành công (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2013). Trong khi đó, tại TP.HCM có khoảng 5.450 giao dịch thành công (tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2013). 

Tại Hà Nội, giá thứ cấp phân khúc biệt thự, liền kề tăng trở lại sau gần 2 năm tụt sâu; số lượng giao dịch thành công tương đối lớn trong thời gian gần đây. Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA) cũng cho thấy, tổng lượng giao dịch toàn thị trường 9 tháng năm 2014 gần 13.000 căn. 

Tại Hội thảo "Bất động sản trước những cơ hội mới", GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, đang có thực tế nhiều dự án của các nhà đầu tư khác ở vị trí thuận lợi, hạ tầng tốt vẫn bán được với giá tốt. Nên câu chuyện hiện nay không phải là thiếu “cầu” đối với khu vực giá cao và giá trung bình, mà có đáp ứng đủ yêu cầu của người mua hay không.

"Bất động sản cao cấp không phải chỉ nhà đẹp, nội thất đẹp mà hạ tầng phải tốt, môi trường tốt. Quan niệm nội thất đẹp đã là quan niệm của vài thế kỷ trước. Hiện nay, quan niệm là cuộc sống phải có môi trường sống, điều kiện sống tốt", ông Võ nói. 

Tâm lý tiêu dùng đang thay đổi? 

Từ thực tế của thị trường, cộng với phân tích một cách độc lập của chuyên gia bất động sản cho thấy, tâm lý tiêu dùng đang có sự thay đổi. "Khẩu vị" của các "thượng đế" khi tìm mua các sản phẩm bất động sản cũng đang thay đổi. 

Về vấn đề này, ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn CEN Group cho rằng, đ úng là tâm lý của người mua nhà đã thay đổi. Trước đây, người mua chủ yếu tập trung vào các giá trị có thể gọi là đầu tư cơ hội, đột biến từ những biến động của thị trường.
 Ông Vũ Cương Quyết.
Ông Vũ Cương Quyết.
"Theo tôi, hiện nay, khách hàng không chỉ quan tâm đến chỗ ở (tức căn nhà) mà người ta quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống. Thay đổi một chỗ ở là các bạn phải thay đổi cả một cuộc sống! Cụ thể như, thay đổi chỗ ở là thay đổi nơi làm việc , đi lại, phương tiện, chỗ học hành con cái, thay đổi các mối quan hệ hàng xóm láng giềng, họ hàng… Khi đó điều người ta quan tâm nhất sẽ là, nơi ở mới đó ảnh hưởng thế nào tới công việc, kiếm tiền của họ, họ sẽ đi lại thế nào, mua sắm ở đâu, vui chơi giải trí ra sao? Những tiện tích nội khu đó bỗng nhiên trở nên rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người, nhất là ở những dự án xa trung tâm, ngoài đường vành đai, các điều trên sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới quyết định mua của khách hàng", ông Phạm Thành Hưng nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, hiện nay, k hách hàng chọn mua một dự án có nhiều yếu tố và thật ra giá không phải là yếu tố quyết định nhất. Yếu tố quyết định nhất ở đây là cái niềm tin của khách hàng vào các dự án, chủ đầu tư. Giá là cái thu hút ban đầu nhưng không phải ai cũng đổ xô vào cái giá rẻ. 

Cũng có 1 số khách hàng người ta thấy giá rẻ, vị trí đẹp người ta vẫn mua, người ta có sự đánh đổi hơi liều lĩnh 1 tý nhưng nhiều khách hàng lại đợi 1 chút để xem ông chủ đầu tư ông có lên được hay không, nhà ông có lên được không.

Theo ông Vũ Cương Quyết, đa số dự án đang có thanh khoản tốt là do chủ đầu tư rất nỗ lực trong vấn đề xây dựng. Có rất nhiều chủ đầu tư không có thương hiệu tuy nhiên họ làm thật, xây dựng niềm tin thật.

Thứ nhất họ ký được với khu nhà thầu, thứ 2 là ký được ngân hàng, thứ 3 là họ có nguồn ngân sách dự chữ để họ làm dự án đấy chứ không phải kiểu “tay không bắt giặc”. Và khách hàng mua thì họ ra tận dự án, người ta coi ông này làm được đến đâu .

"Có nhiều khách hàng giai đoạn đầu không dám mua, nhưng họ để 1- 2 tháng sau lại quay lại thì thấy làm. Rất nhiều khách hàng họ theo dõi, họ rất thích vị trí rồi, rất thích dự án rồi nhưng họ đợi xem có làm thật hay không, ngày nào họ cũng đi xem thậm chí xem cả tháng trời, 2 tháng rồi mới quyết định mua. Đấy là cái rất quan trọng nhất. Thứ hai về vị trí là đương nhiên, sau đó về chủ đầu tư, về vị trí rồi về dự án. Dự án là yếu tố thứ 3 chứ không phải là yếu tố quan trọng nhất", ông Vũ Cương Quyết nói. 

Ông Phạm Thành Hưng cũng cho rằng, cần phải tạo ra một cuộc sống tại các dự án chứ không đơn thuần chỉ là chỗ ở. Nhu cầu chỗ ở là nhu cầu rất thấp, cơ bản là có chỗ để trú nắng trú mưa.

Đặc biệt, những người có khả năng về tài chính, ngoài chỗ để ở, nhu cầu được tôn trọng, được thỏa mãn... rất quan trọng. Đối với các dự án cao cấp, tháp nhu cầu này sẽ phải được nâng lên một mức rất cao.

"Nói cách khác, muốn họ ở đây thì chúng ta phải tạo được ra sự khác biệt, được phục vụ, được tận hưởng cuộc sống. Những khu đô thị mà đáp ứng được những điều này sẽ luôn luôn có được thanh khoản tốt, đặc biệt là các dự án ở trong khu vực đường vành đai, nó không quá xa khu trung tâm. Kể cả với nhiều người, họ mua chỉ để nghỉ ngơi dịp cuối tuần, còn lại họ vẫn có thể có nhà, hoặc chung cư ở trong phố để đi làm", ông Phạm Thành Hưng nói.