Khép cửa vay ngoại tệ tạo chủ động cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ hôm nay (1/4), các ngân hàng thương mại chấm dứt cho các DN vay ngoại tệ rồi chu...

Kinhtedothi - Kể từ hôm nay (1/4), các ngân hàng thương mại chấm dứt cho các DN vay ngoại tệ rồi chuyển thành VND để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, chỉ những DN nhập khẩu có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ mới được NH cho vay ngoại tệ - theo Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc thực thi quy định này vào thời điểm hiện nay là hợp lý để từng bước thực hiện lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.

Cung cầu USD ổn định

Theo lý giải của NHNN, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ. Thông tư này nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đô la hóa nền kinh tế. “NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm DN xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phẩn ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng nội tệ” - ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NNHN cho biết.
Giao dịch ngoại tệ tại một chi nhánh HDBank Hà Nội.      Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch ngoại tệ tại một chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ mới, cùng sự linh hoạt từ các NH, nhiều DN không cảm thấy “phiền lòng” với quy định này. Với cơ chế điều hành tỷ giá biến động linh hoạt tăng giảm hàng ngày, các DN đều cho rằng, khi siết lại cơ chế vay USD, DN vay bằng VND với lãi suất như hiện nay rồi đổi sang thanh toán bằng USD đều ngang nhau.

Bà Hà Thu Giang - Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống và Xúc tiến thương mại CG (DN chuyên XNK máy móc, thiết bị) cho biết, với cơ chế tỷ giá như trước đây, DN vay vốn bằng USD có thể được lợi khi tỷ giá được điều chỉnh tăng với biên độ lớn. Nhưng hiện nay, với những ưu đãi từ NH, cùng với uy tín của DN, vốn vay bằng VND ở mức 8%/năm -10%/năm nên khi quy đổi ra USD đều nhận được giá trị tương đương. Hơn nữa, khi cần thanh toán với khách hàng bằng USD, DN hoàn toàn có thể sử dụng luôn dịch vụ quy đổi ngoại tệ của NH với chi phí hợp lý và ưu đãi.

Ngay cả việc Thông tư 24 vẫn cho phép 3 đối tượng được phép vay ngoại tệ, bao gồm: vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu; và vay để đầu tư ra nước ngoài... thì những đối tượng này cũng không mấy mặn mà với vay USD.

Ông Trần Quang Minh - Giám đốc dự án của một DN chuyên nhập khẩu thiết bị, máy móc cho biết, để có được nguồn ngoại tệ thanh toán hàng nhập khẩu, công ty chỉ biết mua ngoại tệ ở các NH và thậm chí là trên thị trường, không thể vay vốn USD. Nguyên nhân do công ty này không có nguồn thu ngoại tệ. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc một DN chuyên sản xuất hàng thủy sản cho biết, mặc dù có nguồn thu ngoại tệ, nhưng công ty cũng không dễ vay đủ nguồn vốn USD đáp ứng cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng USD sau thời gian tăng mạnh đầu năm 2015 đã có xu hướng chậm lại từ tháng 6/2015 và diễn biến này tiếp tục kéo dài đến những tháng đầu năm 2016. “Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, các nhận định về áp lực tỷ giá trong thời gian tới buộc DN cân nhắc kỹ trong vay USD. Các dự báo đưa ra, khả năng tín dụng ngoại tệ sẽ còn giảm trong thời gian tới cùng với việc hạn chế cho vay ngoại tệ” - ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN TP Hồ Chí Minh nhận định.

Lãi vay USD vẫn cao

Theo NHNN, từ khi áp dụng chính sách lãi suất USD 0%, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân liên tục giảm. Số liệu thống kê cũng cho thấy tính đến ngày 23/3, huy động ngoại tệ giảm gần 3% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ở mức cao 3 - 4%/năm, thậm chí có NHTM cho vay đến 4 - 5%/năm ngắn hạn và 5,5 - 6,0%/năm vốn vay ngoại tệ trung, dài hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, nếu từ 1/4/2016, Thông tư 24 có hiệu lực, về phía NH, nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm nên các NH cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động huy động ngoại tệ nữa. Nhưng đồng thời, các NH cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND.

Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, đến hết ngày 31/3, HSBC đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với các DN xuất khẩu. Hiện họ đang tính đến việc chuyển vốn vào những hoạt động khác. “NH có thể dùng nhiều kênh để sử dụng vốn khác nhau, ví dụ nhóm đối tượng vẫn được vay ngoại tệ có thể đẩy mạnh cung ứng vốn cho nhóm đối tượng này hoặc đẩy mạnh cho vay liên NH hoặc gửi ở trên thị trường thế giới” - ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói.
 
Với cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay, nhu cầu vay ngoại tệ của DN đòi hỏi phải bám sát vào nhu cầu thực hơn so với trước đây. DN nào có nguồn ngoại tệ tái tạo được mới có thể vay, song DN cũng phải cân nhắc tính toán kỹ trong bài toán sử dụng vốn vay bằng USD để tránh rủi ro biến động tỷ giá. Xu hướng chuyển dịch dần từ quan hệ gửi và vay vốn bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ khiến tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay bằng USD trong tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng ngày càng giảm.
Ông Ngô Quang Trung  - Phó Tổng giám đốc Viet Capital Bank