So với Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong Dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến tổng số điều không đổi (18 điều), trong đó sửa đổi, bổ sung 11/18 điều và bổ sung 2 Phụ lục. Một số điểm mới được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết tập trung vào đối tượng lấy phiếu; hệ quả việc lấy phiếu; nguyên tắc, căn cứ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm; công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Các chức danh Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm
Về đối tượng áp dụng, Dự thảo nghị quyết nêu rõ Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5/2023) Quốc hội sẽ xem xét quyết định Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trong Dự thảo Nghị quyết đã đề cập nhiều điểm mới, đặc biệt là quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm; cập nhật, luật hóa các quy định phù hợp tại các hướng dẫn trước đây.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các ủy viên UBND.
Dự thảo nghị quyết cũng nêu, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ các quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND. Trong đó, việc lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.
Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm có nhiều điểm mới. Trong đó, thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW, Điều 10 Dự thảo Nghị quyết quy định rõ theo 2 trường hợp. Thứ nhất, khi người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Thứ hai, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Trước đó, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu “tín nhiệm thấp” thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn" như quy định cũ, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị "về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị" đã nêu rõ: Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu “tín nhiệm thấp” trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm
Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tờ trình kèm theo Dự thảo Nghị quyết cũng nêu một số vấn đề xin ý kiến như: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND phường ở thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội không quy định HDNĐ quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh không quy định HĐND thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường. Trong khi đó, Nghị quyết về Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng quy định “HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận”.
Vì vậy, để đồng bộ với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị, HĐND quận, thị xã ở thành phố Hà Nội và HĐND thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.
Cụ thể trong các trường hợp gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị, có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội, có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".
Với HĐND thì thường trực HĐND bỏ phiếu đối với các trường hợp gồm có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND, có kiến nghị của Ủy ban MTTQ cùng cấp, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức.
Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp gần nhất.
Về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ngoài 5 hình thức công khai kế thừa Nghị quyết 85/2014/NQ-QH14, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.