Khi các giải chạy không chỉ là rèn luyện sức khỏe

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, các hoạt động thể thao quần chúng được phát triển mạnh, trong đó phải kể đến các giải chạy được tổ chức rầm rộ.

Việc phát triển này mang lại những lợi ích hay bất lợi cho người dân đang là câu hỏi đặt ra cho ban tổ chức các giải chạy và giới chuyên môn.
Có lợi cho người dân

Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa điểm có số lượng nhiều nhất với những giải chạy quen thuộc như VPBank Hanoi Marathon, Longbien Marathon, Tay Ho Half Marathon hay Marathon Di sản Hà Nội… Trong khi đó, theo thống kê, mỗi năm có gần 40 giải chạy được tổ chức trên toàn quốc. “5 - 7 năm trở lại đây, các giải chạy phát triển mạnh, nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, tạo sự hứng thú với các giải phong trào” – đây là khẳng định của HLV điền kinh Hà Nội Nguyễn Văn Toản với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
 Người dân Thủ đô hào hứng tham gia giải chạy VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020. Ảnh: Ngọc Tú
Trên thực tế, với khoảng 40 giải chạy/năm được tổ chức dàn trải từ đầu đến cuối năm, nên người dân không có cảm giác "cơn mưa" giải chạy. Năm nay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các giải tập trung tổ chức vào thời điểm những tháng cuối năm khiến nhiều người có suy nghĩ các đơn vị đua nhau tổ chức giải chạy. Đặc biệt, sau thành công của giải VPBank Hanoi Marathon, hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng Tiên phong, Techcombank, BIDV... cũng tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau. Có giải nhỏ gọn dành cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan (cũng khoảng hơn 1.000 người tham dự), có giải dành cho đông đảo người dân đăng ký tham gia. Theo quan niệm của VĐV Nguyễn Văn Nam, việc tham gia nhiều giải chạy có lợi cho những ai tham gia hoạt động thể chất. “Với những người đam mê bộ môn này sẽ thấy rất hứng thú tham gia các giải chạy phong trào để có thể vượt qua được bản thân. Vì thế càng nhiều giải, mỗi người sẽ có nhiều sự lựa chọn để tham gia” – VĐV Nguyễn Văn Nam tham gia giải chạy VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 chia sẻ.

Đối với nhiều VĐV chuyên nghiệp, cùng với tham gia các giải đấu chuyên nghiệp để lấy thành tích, những giải phong trào cũng giúp họ cọ xát và giao lưu với người yêu môn thể thao này. Các giải cũng giúp các VĐV thêm hưng phấn hơn trong tập luyện và giảm được sự nhàm chán khi phải “tập chay".

Xây dựng giải chạy thương hiệu cho Hà Nội

Theo như thống kê, hiện nay các giải chạy đều có những cự ly khác nhau cho người tham gia đăng ký như: Chạy đường bằng (road) với các cự ly 5 km, 10 km, 21 km, 42 km và chạy điều kiện tự nhiên (trail). Tại Hà Nội, các giải đều được tổ chức ở loại hình đường bằng và xuất phát vào khoảng 12 giờ đêm, điều này dẫn đến mối lo về sự an toàn cho các vận động viên.
Tuy nhiên, theo HLV điền kinh Hà Nội Nguyễn Tuấn Hiệp – người trực tiếp làm công tác trọng tài ở các giải chạy phong trào vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội: “Trong hệ giải phong trào, các đơn vị tổ chức làm rất chuyên nghiệp từ khâu tổ chức đến hậu cần. Sự thành công của VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 là minh chứng rõ nhất cho sự chuyên nghiệp đó”.
Theo Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở VH&TT Hà Nội) Đinh Văn Luyến, thể thao dần phát triển theo xu thế thời đại là mang tính xã hội hoá, vì thế hiện nay tất các giải chạy phải đầy đủ điều kiện mới được cấp phép tổ chức. Lãnh đạo TP đã nhìn thấy các giải chạy phong trào mang tính xã hội hóa có lợi cho người dân và xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh cho Thủ đô nên đã tạo điều kiện ủng hộ tổ chức. Hiện nay, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng 2 đến 3 giải chạy đã được tổ chức thành công qua các năm để xây dựng thương hiệu. Mỗi khi nhắc đến giải chạy đó là nhớ đến Hà Nội.

"Việc gia tăng các giải chạy phong trào là điều dễ hiểu khi nhu cầu đời sống của người dân cần phải có những hình thức để giải tỏa áp lực ngoài thời gian công việc. Bên cạnh đó cũng là sân chơi cho các VĐV chuyên nghiệp và thúc đẩy phát triển ngành thể thao đến gần với công chúng hơn." - HLV điền kinh Hà Nội Nguyễn Văn Toản