Cách đây vài năm, hàng loạt đội giải tán khiến nền bóng đá bị chao đảo. Giải hạng Nhất quốc gia từ chỗ có 14 đội tham dự chỉ còn 8. V.League có thời điểm chỉ còn 12 đội thi đấu. Điều này khiến cho sân chơi từng được đánh giá là hấp dẫn nhất khu vực lâm vào cuộc khủng hoảng. Hàng loạt cầu thủ và HLV mất việc. Nhiều địa phương trắng bóng đá đỉnh cao. Sự đầu tư của xã hội dành cho môn thể thao vua bỗng chốc giảm sút khiến cho đội tuyển quốc gia thiếu những cầu thủ giỏi và vì thế mà thành tích trở nên kém cỏi.
Khó khăn về kinh tế khiến các ông bầu phải tái cơ cấu lại danh mục đầu tư. Họ phải bớt chi tiêu những khoản không cần thiết. Có những người thì muốn tập trung vào việc kinh doanh hơn là vung tiền đánh bóng thương hiệu ở bóng đá. Tuy nhiên, khó khăn đã tạm lắng trong thời gian qua khi nền bóng đá tự chuyển hóa để tìm cho mình cơ chế thích ứng với hoàn cảnh kinh tế. V.League đã tăng lên 14 đội. Giải hạng Nhất đến cuối mùa giải vừa qua được xác định sẽ có 10 đội tham dự. Vậy nhưng, bất ngờ đã diễn ra: Trước ngày bốc thăm xếp lịch thi đấu, 2 đội bóng vốn rất mạnh về tài chính là PVF và Đồng Nai xin bỏ cuộc. Lý do không phải là khó khăn về tài chính, mà vì lãnh đạo thay đổi về quan điểm đầu tư. Họ muốn làm bóng đá phong trào thay vì phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Điều khiến lãnh đạo VFF lo lắng chính là làn sóng “bỏ cuộc chơi” có thể sẽ chưa dừng lại. Một loạt đội bóng đang đối diện với khó khăn về tài chính và chưa tìm được một cơ chế phù hợp. Nếu họ không sớm giải được bài toán khó này thì chẳng thể nói trước được điều gì. Và nếu có thêm những đội bóng bỏ cuộc chơi thì sự ổn định cần có của các giải đấu quốc nội sẽ bị phá vỡ.
Việc các đội bóng đua nhau giải thể được lý giải là do lãnh đạo không còn mặn mà với sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, vì bóng đá không đáp ứng được kỳ vọng của những người bỏ tiền đầu tư cho sân chơi này. Có quá nhiều những rắc rối, thậm chí là tiêu cực khiến các nhà quản lý, các ông bầu cảm thấy nản lòng. Họ không muốn bỏ tiền theo đuổi “cuộc chơi” vốn chỉ mang lại sự phiền toái. Thế nên, cách tốt nhất là dừng “cuộc chơi”, tìm kiếm một thú vui khác.
Thời gian qua, nền bóng đá đã có nhiều thay đổi theo hướng trở về với giá trị thực. Các bản hợp đồng chuyển nhượng đã bớt ảo hơn. Thậm chí, giá trị chuyển nhượng trung bình đã giảm 50% so với thời cao điểm. Thế nhưng, gánh nặng với các ông bầu vẫn chưa giảm là mấy bởi nền bóng đá không thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Phần lớn kinh phí nuôi đội bóng được lấy từ túi của ông bầu. Trong khi đó, bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên các đội bóng phải đối diện với làn sóng tái cơ cấu mới. Mới đây nhất, đội bóng giàu nhất Việt Nam là Bình Dương đã quyết định chia tay một loạt ngôi sao, chuyển sang dùng cầu thủ trẻ. Và ngay lập tức, thị trường chuyển nhượng đã trở nên trầm lắng.
Trước sự mệt mỏi mà các ông bầu đang phải đối diện, nền bóng đá đứng trước yêu cầu phải thay đổi. Họ không những phải giảm chi mà còn đứng trước áp lực phải kiếm tiền để tự đứng trên đôi chân của mình. Nếu cuộc cách mạng về kiếm tiền và tiêu tiền không sớm được tiến hành thì e rằng, nhiều đội bóng sẽ tiếp tục phải giải thể.