Khi cầu thủ kiếm tiền tỷ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khá nhiều fan Việt Nam ngỡ ngàng khi thấy bầu Hiển trực tiếp xuống sân nhắc nhở Quang Hải hãy bớt đi đóng quảng cáo lại để tập trung vào chuyên môn.

Vấn đề khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh một lần nữa đã được xới lên.
Đến nay, việc cầu thủ bóng đá Việt Nam bắt đầu kiếm tiền được từ việc "khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh”. Trong khi đó, đối với các ngôi sao sân cỏ đó lại là nguồn thu chính, đối với thương hiệu toàn cầu như David Beckham khi còn phong độ đỉnh cao, anh có thể kiếm 200.000 bảng (gần 6 tỷ VNĐ)/ngày.
Nhưng David Beckham, Cristiano Ronaldo và các cầu thủ khác luôn có đội ngũ trợ lý chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm để quyết định chi tiết các điều khoản hợp đồng, về tần suất xuất hiện, thời điểm, nhãn hàng… tham gia quảng cáo.
Chuyện không hề mới
Người hâm mộ Việt Nam đã từng chứng kiến các ngôi sao Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Vinh… tham gia đóng quảng cáo và làm người đại diện hình ảnh. Nói đến xem máy Lifan người ta sẽ nhớ đến Huỳnh Đức, còn Công Vinh đã từng làm người đại diện cho nhãn hàng Adidas, hãng xe nổi tiếng Audi.
 Việc biết lựa chọn và giữ được hình ảnh sạch trong sân cỏ lẫn ngoài đời khiến cho CV9 khai thác được khá nhiều hợp đồng lớn trong khoảng thời gian dài (ảnh NV cung cấp).
Ngôi sao xứ Nghệ còn cùng bà xã Thủy Tiên quảng cáo cho khá nhiều nhãn hàng nước giải khát, dầu gội đầu nổi tiếng của nước ngoài. Việc biết lựa chọn và giữ được hình ảnh sạch trong sân cỏ lẫn ngoài đời khiến cho CV9 khai thác được khá nhiều hợp đồng lớn trong khoảng thời gian dài.
Đội trưởng Anh Đức của B.Bình Dương cũng là mẫu cầu thủ giỏi việc kinh doanh bằng hình ảnh và thương hiệu cá nhân. Ngay trong thời gian còn thi đấu, cầu thủ sinh năm 1985 ông chủ của chuỗi cửa hàng Anh Đức sản xuất và phân phối sản phẩm thể dục thể thao có tiếng ở Bình Dương và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Vợ chồng Anh Đức còn lấn sang kinh doanh chuỗi các khách sạn mini, spa tại Bình Dương, và là chủ của một nhà hàng.
Khách hàng Bình Dương, TP Hồ Chí Minh nghe tên lão tướng này, đều đến ủng hộ mỗi khi có dịp. Đến giờ, dù luôn là cầu thủ có thu nhập cao tại CLB nhưng nhiều người cho rằng tiền lương và thưởng của Anh Đức sau 14 năm gắn bó với B.Bình Dương còn thua xa thu nhập “tay trái” của vợ chồng anh.
Không những trò, mà gần đây ông thầy Park Hang-seo cũng đã xuất hiện trên show quảng cáo sữa trên sóng truyền hình. Trước đấy, ông cũng có không ít hợp đồng đại diện cho hãng xe hơi Hàn Quốc và nhiều nhãn hàng đang muốn tham gia thị trường Việt Nam.
Không chỉ bóng đá mà ngay cả cầu lông, một môn thể thao ít hấp dẫn hơn bóng đá, nếu biết giữa gìn hình ảnh đẹp vẫn có thể có được những hợp đồng quảng cáo đủ sống. Cặp vợ chồng Tiến Minh - Vũ thị Trang đến nay vẫn tự hào “sống khỏe” dù bị cắt khoản hỗ trợ kinh phí đầu tư trọng điểm cho các VĐV mũi nhọn.
Đã một thập kỷ nay, vợ chồng Tiến Minh có hợp đồng 50.000 USD/năm đủ cho họ tập luyện và dắt nhau đi đánh các giải lớn nhỏ trong khu vực. Việc đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng với tấm huy chương Đồng châu Á kiếm được ở tuổi 34 vừa qua, cùng lối sinh hoạt giản dị, không để lại điều tiếng thì các hãng thể thao vẫn còn tiếp tục mong muốn hợp tác với cặp vợ chồng này.
Những hệ lụy
Thế nhưng, người ta cũng đã chứng kiến không ít ngôi sao sân cỏ Việt Nam đã “sớm nở, chóng tàn” cả trong sự nghiệp sân cỏ lẫn “khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh”. Điển hình nhất phải nói đến Văn Quyến, giai đoạn đỉnh cao (2003 - 2004) muốn có chữ ký quảng cáo của VQ10 một hãng điện tử Hàn Quốc đã phải chi 13.000USD.
Bầu Hiển đã phải nhắc nhở Quang Hải tập trung vào chuyên môn. 
Năm 2005, sau vụ án bán độ ở Bacolod xảy ra thì cái tên Văn Quyến trở nên mất giá và thiếu người tư vấn VQ10 đã lâm vào cảnh nghèo khó, mất dần hình ảnh và sự nghiệp. Đến giờ, mỗi khi ngồi nhắc đến “Cậu bé vàng” các cổ động viên Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng vẫn đầy nuối tiếc.
Cách đây 5 năm, Công Phượng - một tài năng bóng đá khác của xứ Nghệ cũng nổi như cồn trong màu áo U19 HAGL và đội tuyển quốc gia. Thời điểm ấy, muốn kiếm được chữ ký hợp đồng quảng cáo của CP10 không phải là chuyện dễ. Nhưng dính vào những chuyện lùm xùm yêu đương, cùng nhưng sa sút về mặt phong độ từ khóa “Công Phượng” đã không còn được quan tâm như trước.
Mới đây, một đồng đội của Công Phượng tại HAGL là Văn Thanh và một số KOL (người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) bị cho là đã tham gia quảng bá cho Binomo, loại hình bị cho là cờ bạc. Văn Thanh hồn nhiên: “Tôi cũng đã thử sức với các giao dịch thương mại trực tuyến khi vô tình vào trang của Binomo. Với khá ít kiến thức về giao dịch, tôi ngạc nhiên khi thấy mình có thể nhanh chóng và dễ dàng học cách giao dịch và thành công”.
Đằng sau những bản hợp đồng
Sau những thành công của vòng chung kết U23 châu Á 2018 và hàng loạt giải đấu khác, các ngôi sao bóng đá Việt Nam đang được các công ty truyền thông, các nhãn hàng quan tâm. Không chỉ là đại diện thương hiệu hay tham dự sự kiện ra mắt, khai trương họ còn quảng cáo ăn khách trên mạng xã hội. Hầu hết các cầu thủ nổi tiếng đều chọn cho một đơn vị làm việc "khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh”, đó là tín hiệu vui.
Mới đây, chúng ta thấy Văn Đức (SLNA) cũng tranh thủ thời gian dưỡng thương để bay vào TP Hồ Chí Minh tổ chức sinh nhật và gặp gỡ các fan. Rồi Quang Hải, Tiến Dũng xuất hiện ngày càng nhiều trên màn ảnh truyền hình. Một post quảng cáo của Quang Hải trên facebook giờ đây không dưới 10.000USD.
Đối với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, vấn đề “khai thác tên tuổi và bản quyền sử dụng hình ảnh” là một phần không thể thiếu để làm tăng thu nhập. Với tư cách là ngôi sao của môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh, họ có quyền ở nhà lầu, xe hơi đắt tiền, đi những đội giày hàng hiệu, đồng hồ đắt tiền.
Nhưng rõ ràng, để duy trì được thương hiệu, hình ảnh thì điều bắt buộc là phải giữ được năng lực chuyên môn trên sân cỏ. Nếu phong độ sa sút thì ngay lập tức, mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ, như những phân tích ở trên. Chắc hẳn, bầu Hiển cũng chả thích thú gì khi nhắc nhở đứa con cưng của mình hãy tạm quên đi việc tham gia các show quảng cáo.
Đằng sau những hợp đồng quảng cáo có giá trị hàng chục nghìn USD là cả một vấn đề lớn mà từng cầu thủ, các CLB và VFF không thể không suy tính đến. Và cũng đừng suy nghĩ đơn giản, nó chỉ là quan hệ cá nhân, mang tính thương mại đơn thuần, không ảnh hưởng đến đội tuyển quốc gia và nền bóng đá.

Việc các cầu thủ cần có người đại diện là điều kiện cần, điều kiện đủ là người đại diện phải biết có lời tư vấn chuẩn xác cho “thân chủ” của mình. Đôi khi phải biết từ chối những hợp đồng “béo bở”, tránh những hợp tác ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần