Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi chủ shop online lơ mơ về thuế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù nhà nhà, người người tham gia bán hàng online, tuy nhiên, không ít các chủ shop trên mạng vẫn lơ mơ về nghĩa vụ nộp thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế.

Tự do bán hàng, lơ mơ về thuế

Thời gian qua, cơ quan thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường thu thuế các tổ chức, cá nhân kinh doanh online hay có thu nhập từ mạng xã hội. Thế nhưng kết quả vẫn còn khá thấp so với thực tế. Lý do bởi bên cạnh những khó khăn về cách thu thuế qua mạng và các kẽ hở về quản lý thì hiện nhiều người kinh doanh qua mạng vẫn chưa ý thức được các quy định về đóng thuế.

Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 6/2023, cơ quan này đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo… nhưng nhiều cá nhân, tổ chức chưa kê khai doanh thu để nộp. Bên cạnh đó, hàng nghìn cá nhân kinh doanh trên mạng xã hôi như Facebook, Zalo, Tiltok… vẫn chưa chủ động kê khai doanh thu và chủ động nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nhiều người kinh doanh online lơ mơ về nghĩa vụ thuế
Nhiều người kinh doanh online lơ mơ về nghĩa vụ thuế

Trên các diễn đàn về thuế, không ít người thắc mắc về nghĩa vụ nộp thuế của mình khi tham gia bán hàng online trên mạng xã hội.

Chị Mỹ Hạnh (Hà Đông) cho biết, đang kinh doanh bán quần áo online tại nhà, không có cửa hàng cố định và đa phần doanh thu bán hàng đến từ việc livestream. Mặc dù bán hàng online gần 5 năm nay, nhưng chị Hạnh vẫn băn khoăn về nghĩa vụ nộp thuế. “Vừa qua, tôi thấy có nhiều người bán hàng online phạt vì không nộp thuế. Tôi đang rất lo lắng, không biết mình có phải nộp khoản thuế đó không và nếu đã quá hạn nộp thì việc truy thu được quy định ra sao” – chị Hạnh lo lắng nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, xu hướng bán hàng online đang khá sôi động trong vài năm gần đây. Tuy nhien, thực tế hầu hết người kinh doanh online chưa nắm được hết các quy định về nghĩa vụ thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế.

Theo các quy định pháp luật về thuế của Nhà nước, bộ ngành, các cá nhân kinh doanh online hay truyền thống đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác, với các khoản thuế giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài.

Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế theo tỷ lệ thuế đối với từng ngành nghề trên tổng doanh thu. Trong đó, quy định nêu rõ bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa. Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng cho hoạt động này là 1%, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân 0,5%.

Riêng những người có thu nhập từ các trang mạng như Facebook, Google, YouTube… sẽ nộp mức thuế là 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).

Tăng tuyên truyền, xử phạt nghiêm

Những năm gần đây chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thất thu thuế từ hoạt động bán hàng online vẫn chưa giải quyết triệt để.

PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, bài toán pháp lý đặt ra ở đây không mới, không phải đến bây giờ Nhà nước mới xem xét đến việc thu thuế thu nhập cá nhân từ việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, mà vấn đề đặt ra là chưa có thiết chế quản lý Nhà nước theo kịp với hoạt động kinh doanh này.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội có thực thi được hay không phụ thuộc phần lớn vào phương thức quản lý, giám sát hoạt động thu thuế của cơ quan Nhà nước, chứ không phải là chính sách pháp luật có hay không có đối với hoạt động kinh doanh này.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để tránh tình trạng trốn thuế là cần đầu tư nguồn lực vào xây dựng phần mềm, công nghệ hiện đại để dò tìm tự động phát hiện các giao dịch mua bán trên internet, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ thuế.

Việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho các cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Bên cạnh đó, để đạt được sự đồng thuận của người dân đối với việc nộp thuế, các cơ quan quản lý thuế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cá nhân về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế, cũng như các chế tài xử phạt đối với hành vi trốn thuế.