Khi chứng khoán đi vào bữa ăn, giấc ngủ của nhiều gia đình

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại buổi Tọa đàm Trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/7, các đại biểu đánh giá, giá trị giao dịch của TTCK Việt Nam đã có những phiên vượt qua nhiều TTCK quốc tế có lịch sử hoạt động lâu năm. Chứng khoán có những giai đoạn đã đi vào bữa ăn giấc ngủ của nhiều gia đình.

Trong nguy có cơ
Ông Lê Trọng Minh- Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, Toạ đàm được tổ chức đúng ngày TTCK Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000. “Những người tham gia đầu tư từ ngày đầu cổ phiếu chỉ diễn biến một chiều, thậm chí bốc thăm mới đặt được lệnh mua bán. Sau 21 năm, thị trường đã tăng trưởng hết sức vượt bậc, sàn chứng khoán VIệt Nam 753 cổ phiếu niêm yết trên hai sàn giao dịch và 907 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Quy mô vốn hóa thị trường hiện cũng đã tương đương 107% GDP”- ông Minh nói.
 Theo các đại biểu, với nỗ lực phòng chống dịch bệnh và khả năng xoay chuyển của DN, vẫn có những cơ hội trên TTCK
Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh, giá trị giao dịch đã có những phiên vượt qua nhiều thị trường chứng khoán có lịch sử hoạt động nhiều hơn chúng ta và thậm chí cũng là chủ đề sôi nổi nhất trong xã hội, đi vào bữa ăn giấc ngủ của nhiều gia đình. Nói về kỳ vọng thị trường những tháng cuối năm, ông Minh nhìn nhận: “Trong nguy có cơ. Với nỗ lực phòng chống dịch bệnh cùng khả năng sáng tạo xoay chuyển của nhiều doanh nghiệp, vẫn có những cơ hội trên thị trường. Nhiều người nói rằng đỉnh dịch là đáy thị trường chứng khoán. Có thể đúng có thể sai, nhưng chúng tôi tin không quá sớm ở thời điểm này để nói về cơ hội của thị trường sắp tới”.
 TBT Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, chứng khoán có thời điểm đã đi vào bữa ăn giấc ngủ của nhiều gia đình
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng ngừa dịch bệnh, các chính sách đồng bộ, chiến dịch tiêm vacxin..., các đại biểu hy vọng, đến cuối năm, có thể kiểm soát được dịch bệnh, qua đó đảm bảo tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia thu hút FDI tốt và Chính phủ có quyết tâm cao về kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, 6 tháng cuối năm 2021, UCBKNN kiên định với việc hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường, đảm bảo thị trường được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch. Cơ quan này cũng sẽ hoàn thành dự án công nghệ, hiện đại hóa công nghệ KRX phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán, triển khai sản phẩm tài chính mới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ thực hiện tái cấu trúc thị trường trên cơ sở 4 trụ cột hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh chứng khoán và Sở GDCK, cũng như hoàn thiện Sở GDCK Việt Nam.
6 tháng cuối năm- cơ hội nào cho nhà đầu tư chứng khoán?
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư CTCK Mirae Asset Việt Nam cho biết, báo cáo vừa rồi của DN này về việc thị trường điều chỉnh mạnh gây xôn xao khi thị trường đang "hưng phấn" có cân nhắc yếu tố rủi ro thị trường đang gặp phải, thời điểm đó P/E của Việt Nam đang tiệm cận 2 lần độ lệch chuẩn trung bình 10 năm. 2018 đã tiệm cận vùng này, sau đó có điều chỉnh nhất định. “Chúng tôi đã mạnh dạn đi ngược thị trường một chút. Việc điều chỉnh là bình thường, thị trường đã tăng trưởng mạnh, từ 700 - 800 điểm lên 1.400. Khi thị trường điều chỉnh về 1.200 điểm thì là cơ hội tích lũy cổ phiếu, nhà đầu tư chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới sẽ mua được. Cơ sở đưa ra là dựa vào EPS dự kiến tăng 33%. Thị trường sẽ phản ánh nội tại doanh nghiệp, EPS tăng 33% thì PE sẽ giảm. Do đó, Mirae Asset dự báo 1.440-1.500 là điểm đến của VN-Index trong nửa cuối năm, với điều kiện kiểm soát được dịch trong tháng 8”- ông Minh phân tích.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital đánh giá, thị trường giai đoạn vài tháng qua, giảm 13-14% so với đỉnh, nhưng phải nói thị trường có sự trưởng thành vượt bậc. Thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng không thực chất, và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. “Tôi cho rằng, trên sàn HOSE, với mức thanh khoản 15.000 - 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý. Về định giá, mức P/E 19 lần có lúc là đắt, có lúc cũng là rẻ tùy thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai”- ông Tuấn nói.
Ở góc độ DN, TTCK đã nhìn nhận được sự chống chịu của DN niêm yết trong năm vừa qua. Về vấn đề này, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) nhìn nhận, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Năm 2020, Việt Nam rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh nên vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm vẫn rất tốt, đặc biệt chính sách tiêm vắc-xin, không đóng cửa doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động nên đóng góp GPD có thể đạt 6,5%. Chúng ta đã từng ghi nhận những phiên giao dịch 20.000 - 25.000 tỷ đồng/phiên giao dịch cho thấy TTCK rất tốt.
Nhìn từ công tác phân bổ tiêm vắc xin tại Bắc Ninh, Bắc Giang… và hiện tại là TP.Hồ Chí Minh thì việc dập dịch sẽ tốt. Với sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ, chúng ta giữ được niềm tin với nhà đầu tư nươc ngoài. TTCK có phát triển tốt hay không phụ thuốc vào sức khoẻ doanh nghiệp.
Ông Tâm tin tưởng, với chính sách hiện tại, chỉ trong vài tháng nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng, Hà Nội và các tỉnh thành nói chung, các chính sách của Việt Nam sẽ sớm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. “Nhìn vào các nước đã kiểm soát được dịch bệnh thì tiêu dùng, du lịch, hàng không… tăng lên, thúc đẩy kinh tế trong nước tăng, sản xuất cung ứng tăng. Với vai trò nhà sản xuất công nghiệp, chúng tôi vẫn quyết tâm mở rộng, xây dựng khu công nghiệp. Bản thân KBC vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng bất động sản khu công nghiệp, đồng thời tham gia vào các dự án bất động sản nhà ở như tại Khu đô thị Tràng Cát Hải Phòng”- ông nói.