Khi chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy thách thức

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth i- Bất chấp những dự báo tích cực về việc thị trường sớm hồi phục và vượt đỉnh, nhưng những ngày cuối tháng 9, VN-Index lại tiếp tục lao dốc trong sự bất ngờ khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên xấu hơn bao giờ hết.

Các nhà đầu tư có thể hy vọng gì về thị trường chứng khoán cuối năm?

Ngao ngán nhìn bảng điện tử đỏ rực

Hiện tại, thị trường đang phải đối mặt mức giảm điểm vô cùng mạnh của VN-Index. Giới đầu tư cũng nhận định rằng đây là một tuần giao dịch đầy thách thức. So sánh với thị trường chứng khoán Mỹ khi thị trường này đã điều chỉnh trong khoảng một tháng và đến thời điểm này đã tiệm cận vùng đáy thì thị trường Việt Nam điều chỉnh sau nhưng hiện cũng rơi về vùng đáy ngắn hạn hình thành từ tháng 7.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chị Ngọc Anh là một nhà đầu tư đã tham gia thị trường được gần 5 năm. Với mức vốn đầu tư 1 tỷ đồng, qua nhiều lần thị trường dao động mạnh mẽ, hiện tài khoản của chị chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 500 triệu đồng. Theo chia sẻ của chị, chưa bao giờ một nhà đầu tư như chị cảm thấy chán nản với thị trường như lúc này.

Cứ ngỡ thị trường sẽ hồi phục mạnh sau đợt sụt giảm tháng 4 do tiêu cực từ vụ Tân Hoàng Minh và FLC, nhưng không, bất chấp những dự báo tích cực của các công ty chứng khoán, VN-Index liên tục lao dốc, bào mòn hết tất cả lợi nhuận mà chị tích luỹ được suốt thời gian qua cũng như âm luôn mức đầu tư ban đầu.

“Xung quanh tôi, bạn bè, đồng nghiệp đang lỗ rất nhiều, ít thì 20 - 30%, nhiều thì 50 - 60%, có người gần cháy tài khoản do dùng full margin (vay mua tối đa). Nhìn bảng điện tử đỏ lòe trong một tháng qua, đọc tin tức hàng ngày với nhiều thông tin tiêu cực cả trong nước và trên thế giới, đầu óc tôi cảm thấy quá mệt mỏi”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Không chỉ chị Ngọc Anh, giới đầu tư chứng khoản Việt đang gặp áp lực lớn từ việc cắt lỗ hay tiếp tục “gồng”. Những thông tin không mấy tích cực cùng việc dòng tiền chung đang đứng ngoài khiến cho tâm lý chung là vô cùng tiêu cực.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 8/2022 có trên 155.000 tài khoản chứng khoán mới, giảm 22% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 (gần 200.000 tài khoản). Nếu so với con số kỷ lục 476.000 tài khoản mới ghi nhận vào tháng 5 thì con số của tháng 8 chỉ bằng một phần ba. Sự suy giảm liên tiếp về số lượng tài khoản mới trong 2 tháng qua cho thấy, người dân dần giảm mức độ hứng thú đối với kênh đầu tư chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO GmStock, trong giai đoạn thị trường sụt giảm, nhiều nhà đầu tư lướt sóng cố gắng bắt đáy, nhưng bắt trượt, tạo nên các khoản lỗ lớn. Khi thị trường tiếp tục có diễn biến xấu, những nhà đầu tư đang thua lỗ bị ảnh hưởng nhiều nhất, dẫn đến tâm lý chán nản, mất niềm tin, thậm chí cắt lỗ, rời bỏ thị trường.

Ngược lại, những nhà đầu tư dài hạn có tâm lý ổn định hơn, họ coi đó là cơ hội để mua tích sản cổ phiếu, nhưng số lượng nhà đầu tư này không nhiều. Tâm lý nhà đầu tư nói chung đang bị tác động bởi các yếu tố như lạm phát leo thang trên toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng, thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và chứng khoán Việt Nam.

Sẵn sàng đón cơ hội

Theo nhiều chuyên gia, việc thận trọng giai đoạn này là cần thiết trong bối cảnh Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Mặt bằng lãi suất tăng có thể khiến lợi nhuận của DN tăng trưởng chậm lại, đồng thời làm gia tăng chi phí cơ hội.

Nhà đầu tư sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng đối với các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Do đó, khó có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, những yếu tố tiêu cực về việc Fed tăng lãi suất cũng đã phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Theo đó, định giá thị trường đã về mức hấp dẫn trong nhiều năm với chỉ số P/E VN - Index hiện ở mức 12,6 lần và cuối năm 2022 ở mức khoảng 11,2 lần. Đây là mức định giá thấp nhất trong nhiều năm và gần tương đương với đáy giai đoạn Covid-19.

Dư địa giảm cũng không còn nhiều, trừ khi xuất hiện những cú sốc lớn trên thị trường tài chính toàn cầu như khủng hoảng kinh tế. Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.165-1.350 điểm trong những tháng cuối năm. Những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ cho nhà đầu tư.

Thị trường trong nước đang kỳ vọng một lực cầu mới tham gia thị trường như thị trường nước ngoài đã đón nhận và hồi phục rất nhanh.

Thống kê cũng chỉ ra rằng, lượng tiền có sẵn trong tài khoản của những nhà đầu tư đang sở hữu và sẵn sàng đi vào thị trường cũng tương đối lớn. Chính vì vậy, mỗi khi thị trường giảm sâu thì đây là cơ hội để dòng tiền ấy tràn vào thị trường.

Công ty chứng khoán BVSC cũng nhận định rằng dòng tiền sẽ có xu hướng rút ra do sự tăng lên của lãi suất cũng như tỷ giá. Dù vậy, các nhịp chiết khấu sâu của thị trường có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy giúp cho thanh khoản tăng lên. Giá trị giao dịch trung bình về dài hạn sẽ dao động từ 15 đến 20 nghìn tỷ đồng cũng như dòng tiền sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ theo từng nhóm ngành và nhóm cổ phiếu.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo nhiều chuyên gia, với thị trường diễn biến như hiện nay thì hầu hết nhà đầu tư đều bất lợi. Nhất là đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, việc sử dụng margin nhiều cũng như đòn bẩy cao trong một thị trường liên tục đỏ lửa ở những phiên vừa qua, rõ ràng đây là những nhà đầu tư chịu những áp lực lớn nhất.

Hầu hết họ phải chấp nhận bán với giá thấp trong thời điểm này bởi lo sợ khả năng giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Đây là giai đoạn mà tất cả những nhà đầu tư cầm cổ phiếu đang phải chịu rủi ro, trong khi những người sở hữu tỷ trọng tiền mặt cao sẽ đón nhận cơ hội lớn.

 

"Chỉ số VN-Index đã giảm 152 điểm kể từ đỉnh tháng 8 và đang trong tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Trong khi chỉ số chung đang ở mức đáy tháng 7 thì nhiều nhóm cổ phiếu đã xuyên qua ngưỡng hỗ trợ này. Các nhóm cổ phiếu giảm sâu đang nhận được dòng tiền bắt đáy như nhóm: Chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…

Trong đó, nhóm chứng khoán đang là điểm sáng khi đã có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, nhóm ngân hàng cũng duy trì đà tăng nhưng phân hóa, trong khi nhóm bất động sản đã có tín hiệu hồi phục khi khối ngoại giảm bán ròng.

Thị trường đang bị ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu trụ, do vậy, không phản ánh được các cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ và có lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian vừa qua đang được dòng tiền quan tâm như chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản…" - Nhận định thị trường của Công ty Chứng khoán MB

"Những nhà đầu tư ngắn hạn luôn phải trong trạng thái sẵn sàng đón lấy thời cơ và chủ động chốt lời. Điển hình như trong thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9, khi những tín hiệu về thanh khoản chững lại, cổ phiếu điều chỉnh cũng như các thông tin về điều chỉnh lãi suất sắp được công bố thì nhiều nhà đầu tư đã lập tức giải ngân lấy lời. Thời điểm này cũng là cơ hội để họ có thể mua được cổ phiếu ở vùng giá thấp và nhận được nhiều chiết khấu." - Ông Đỗ Bảo Ngọc - nhà sáng lập Nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần