80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lợi dụng AI xuyên tạc thảm kịch vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long:

Khi công nghệ thành công cụ gieo rắc nỗi đau

Kinhtedothi - Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) mới đây không chỉ để lại nỗi đau cho các nạn nhân mà còn tạo ra một "thảm kịch thứ hai" trên không gian mạng. Lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều đối tượng đã thêu dệt, xuyên tạc thông tin, gây nhiễu loạn dư luận và khoét sâu vào mất mát của các gia đình.

Hình ảnh liên quan đến vụ chìm tàu tại Vịnh Hạ Long do AI tạo ra được đăng trên 1 trang mạng xã hội.

"Cơn bão" tin giả và nỗi đau chồng chất

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng khẳng định vai trò vượt trội, trở thành nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, sức mạnh của AI cũng đang bị lợi dụng cho những mục đích xấu, gieo rắc những hệ lụy tiêu cực. Vụ việc đau lòng về vụ chìm tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh mới đây là một minh chứng rõ nét.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, khi lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực cứu hộ, thì trên không gian mạng, một "cơn bão" tin giả do AI tạo ra đã càn quét. Hàng loạt hình ảnh, video được dàn dựng công phu với những chi tiết bi thương, thảm khốc được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Trung tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an khẳng định: Khi xảy ra sự cố tại Hạ Long, rất nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng công nghệ AI để tạo các hình ảnh giả mạo, thêu dệt những lời bình luận sai sự thật về vụ lật tàu. Điều này không phải là một việc bày tỏ cảm xúc đơn thuần, mà đã là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần thiết phải bị xử lý nghiêm minh.

Thuờng xuyên theo dõi thông tin về vụ lật tàu, anh Chí Kiên (Việt Kiều Đức) cho rằng:  "Vì không ở Việt Nam nên tôi chủ yếu chỉ theo dõi được thông tin trên báo chí và mạng xã hội. Những hình ảnh, thông tin bịa đặt này tràn ngập trên mạng và theo tôi nó không chỉ đơn thuần là tin giả mà còn là những nhát dao khoét sâu vào nỗi đau của những người ở lại. Thậm chí, còn gây ra tổn thương đến danh dự, đến nhân phẩm của nạn nhân, đồng thời làm nỗi đau của sự việc này thêm chồng chất. Việc sống dựa vào nỗi đau, mất mát của người khác để câu view, trục lợi là điều không thể chấp nhận được cả về mặt đạo đức và pháp luật".

"Nguồn dữ liệu độc" và những hệ lụy khôn lường

Sự nguy hiểm của việc lạm dụng AI không chỉ dừng lại ở việc gây thêm tổn thương. Theo phân tích, hành vi này đang tạo ra một tình trạng "nhiễu loạn thông tin" với những hệ lụy sâu rộng và khó lường. Thứ nhất, làm sai lệch bản chất của sự việc. Nó thổi phồng quá mức sự đau thương và hậu quả, khiến dư luận hiểu sai về quy mô và tính chất của vụ tai nạn, trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra một con số cụ thể.

Thứ hai, làm méo mó nhận thức của người dân về năng lực của cơ quan chức năng. Những thông tin sai lệch có thể gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm uy tín và niềm tin của công chúng đối với công tác cứu nạn, cứu hộ của chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan. Thứ ba, nó gây nhiễu loạn và cản trở công tác điều tra. Hay nói cách khác, nó đánh lạc hướng công tác điều tra, gây nhiễu loạn thông tin, đồng thời khiến cơ quan chức năng mất thêm thời gian để xử lý, xác minh.

Đặc biệt, một trong những hệ lụy nguy hiểm và kéo dài nhất chính là việc tạo ra một "nguồn dữ liệu độc" tồn tại lâu dài trên không gian mạng. Những thông tin sai lệch này, nếu không được xử lý kịp thời, sẽ trở thành một "nguồn dữ liệu độc" tồn tại lâu dài. Vô tình, chúng có thể trở thành một dữ liệu sai lệch trong công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đánh giá về mức độ sai phạm, nguyên nhân của các sự việc sau này, làm méo mó đi bức tranh toàn cảnh.

Lạm dụng AI về vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long không chỉ gây thêm tổn thương cho nhiều người mà còn tạo ra một tình trạng "nhiễu loạn thông tin".

Điều này có nghĩa là, nhiều năm sau, khi các nhà nghiên cứu, nhà báo hay thậm chí là người dân tìm kiếm thông tin về vụ việc, họ có thể tiếp cận những dữ liệu giả mạo này và coi đó là sự thật, dẫn đến những đánh giá và kết luận sai lầm.

Nguy cơ không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc thông tin. Các đối tượng xấu hoàn toàn có thể lợi dụng những hình ảnh bi thương do AI tạo ra để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi. Theo đó, các đối tượng rất dễ sử dụng những hình ảnh đáng thương như vậy rồi giả mạo các tổ chức, cá nhân có uy tín để kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tiền từ thiện.

Một nguy cơ khác là việc phát tán mã độc. Các đối tượng có thể lồng ghép các đường link chứa mã độc, virus vào các bài viết, video với những tiêu đề giật gân như "video độc quyền chưa từng công bố về vụ việc". Người dân vì tò mò, thiếu cảnh giác nhấp vào có thể ngay lập tức bị đánh cắp dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng…

Nhận diện "hàng giả" do AI tạo ra và chế tài của pháp luật

Vấn đề lạm dụng AI không chỉ là nỗi lo của riêng Việt Nam. Trên thế giới, các quốc gia cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự. Liên minh châu Âu (EU) đã đi tiên phong với việc ban hành "Đạo luật Trí tuệ nhân tạo" (AI Act) - khung pháp lý toàn diện đầu tiên nhằm điều chỉnh công nghệ này.

Đạo luật của EU đặt ra yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn các nội dung do AI tạo ra để người dùng có thể phân biệt với sản phẩm của con người. Các nhà phát triển phải công bố chi tiết về dữ liệu huấn luyện, phương pháp kiểm nghiệm và các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Những quy định này nhằm xây dựng một môi trường AI minh bạch, đáng tin cậy và có trách nhiệm.

Tại Việt Nam, trước ma trận tin giả, cơ quan chức năng đưa ra một số dấu hiệu giúp người dân nhận biết hình ảnh do AI tạo ra. Cụ thể, những hình ảnh được tạo bằng AI sẽ có những điểm nhỏ không cân đối. Thần thái và cảm xúc trên mỗi bức ảnh thì rất giống thật nhưng biểu cảm khuôn mặt lại có sự vô hồn, thiếu chiều sâu. Ngoài ra, phông nền, bối cảnh phía sau thường có dấu hiệu bị nhòe, lộn xộn, bị xáo trộn…

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi tiếp cận những thông tin, đặc biệt là các sự kiện nhạy cảm, cần hết sức bình tĩnh, kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi chia sẻ và quan trọng nhất là không vô tình tiếp tay cho những hành vi sai trái. AI là một công cụ mạnh mẽ, nhưng cả người tạo ra và người phát tán nội dung sai trái đều phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật.

Để công nghệ thực sự phục vụ con người, cần có sự chọn lọc từ các quy định pháp lý nghiêm minh và một bộ lọc từ chính nhận thức, lương tri và trách nhiệm của mỗi công dân trên không gian mạng.

Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình, nạn nhân vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long cư trú tại Hà Nội

Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình, nạn nhân vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long cư trú tại Hà Nội

Lật tàu Vịnh Xanh 58: trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?

Lật tàu Vịnh Xanh 58: trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm thông tin liên lạc ứng phó bão số 3

Bảo đảm thông tin liên lạc ứng phó bão số 3

21 Jul, 08:10 PM

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão WIPHA), Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai.

iPhone 17 Air có thể gây thất vọng vì pin?

iPhone 17 Air có thể gây thất vọng vì pin?

21 Jul, 03:30 PM

Kinhtedothi - Theo các nguồn tin, iPhone 17 Air siêu mỏng, có thể chỉ dày 5.5mm, pin nhỏ dưới 3.000mAh gây lo ngại về thời lượng sử dụng. Apple sẽ bổ sung tính năng Adaptive Power và ốp lưng kiêm pin để bù đắp. Máy dự kiến ra mắt tháng 9, giá từ 800 USD.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ