Khi Facebook, Google... “rút ví” nộp thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Tổng cục Thuế, từ cuối tháng 3 tới nay, Facebook, Google, Microsoft, Tiktok, Neflix… đã nộp vào ngân sách Việt Nam hàng chục triệu USD tiền thuế.

Điều này cho thấy, việc đưa vào quản lý và tạo các kênh kê khai, nộp thuế thuận lợi cho các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang ngày càng phát huy tác dụng.

Facebook, Google, Microsoft, Tiktok, Neflix… đã nộp vào ngân sách Việt Nam hàng chục triệu USD tiền thuế. Ảnh minh họa
Facebook, Google, Microsoft, Tiktok, Neflix… đã nộp vào ngân sách Việt Nam hàng chục triệu USD tiền thuế. Ảnh minh họa

Với việc đưa Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đi vào hoạt động (ngày 21/3/2022), Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với DN nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Đến nay, cơ quan thuế cũng đã tiếp nhận và đăng ký thuế cho nhiều NCCNN lớn, trong đó có những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Neflix… với số thuế nộp ngân sách Nhà nước lên tới hàng chục triệu USD. Tại kỳ kê khai quý 1/2022, nhiều “ông lớn” thương mại điện tử đã đóng góp số thu cho ngân sách tích cực. Cụ thể, TikTok đã nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỷ đồng…

Tính chung từ năm 2018 đến 14/7/2022, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều phương thức kinh doanh mới ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, việc có các cách thức quản lý thuế phù hợp để thu đúng, thu đủ, hạn chế thất thu ngân sách là rất cần thiết. Việc cơ quan thuế tìm thêm được nhiều giải pháp để vừa quản lý thuế tốt hơn các nhà cung cấp thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ đóng góp tích cực thu ngân sách là rất cần thiết.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài như Facebook, Google, Apple… Hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các NCCNN có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng TTĐT dành cho NCCNN.

Có thể thấy, sau một thời gian loay hoay với việc thu thuế các phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là các nhà cung cấp thương mại điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài, các “ông lớn” Facebook, Google, Apple… đã “rút ví” thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Việt Nam. Việc khai và nộp thuế đã thuận lợi hơn, tuy nhiên, làm sao để thu đúng, thu đủ lại là một câu chuyện khác.

Hiện, Tổng cục Thuế đang tích cực phối hợp với các ngân hàng để rà soát dòng tiền cũng như khấu trừ thuế khi cần thiết. Hy vọng, với sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, sự quyết tâm của cơ quan thuế, ngân sách ngày càng tăng thu từ các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử đa quốc gia này.