70 năm giải phóng Thủ đô

Khi giới trẻ nhận thức lệch chuẩn

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 ngày qua, trên facebook tràn ngập hình ảnh một thanh niên tên Dương Minh Tuyền được đông đảo thanh thiếu niên chào đón nhiệt liệt khi đến Hưng Yên “trợ giúp nữ sinh lớp 9 trong vụ bị 5 bạn học bạo hành dã man”.

Chỉ sau 3 giờ livestream, facebook của thanh niên này đã lập tức nhận được 94.000 lượt view và hơn 800 lượt share, hơn 1.400 comment với những lời ca tụng và bày tỏ sự ái mộ nồng nhiệt. Thực tế, Dương Minh Tuyền ở Bắc Ninh nổi tiếng bởi sự liều lĩnh cũng như có các clip chửi bới trên mạng xã hội cùng những thành tích ra tù vào tội của mình.
Trước đó, đầu tháng Ba, mạng xã hội cũng ồn ào về clip đốt xe và hình ảnh đứng dàn hàng ngang cùng bạn bè trên quốc lộ của một thanh niên khác có biệt danh Khá Bảnh, người có tên thật là Ngô Bá Khá (26 tuổi, ở Bắc Ninh). Giới trẻ không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tung hô Khá Bảnh như một “người hùng” vì dám nghĩ, dám làm… Đáng lưu ý, YouTube riêng của nhân vật này luôn có hàng triệu lượt view và comment.
Khá Bảnh cũng từng vào tù ra tội, nhưng thanh niên này luôn tự hào mình là người nghĩa hiệp, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Điều đáng nói “hiện tượng Khá Bảnh" lại được giới trẻ tung hô, hâm mộ như một ngôi sao thời thượng khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều học sinh còn ăn mặc, cắt tóc giống Khá Bảnh, thậm chí nhiều bạn trẻ nhảy những điệu nhảy y hệt thần tượng của mình.
Hiện tượng hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh làm nhiều người gợi nhớ đến những hiện tượng từng "gây bão" mạng một thời như Lệ Rơi, bà Tưng. Những nhân vật này không cần tài năng, chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân “show hàng”, một giọng hát lệch tông đã thu hút sự chú ý của hàng triệu bạn trẻ, trở thành hiện tượng nổi tiếng trong giới trẻ.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ cho biết, họ rất “đau đầu” khi rất khó kiểm soát được con xem gì, đọc gì, tung hô trào lưu nào. Chị Nguyễn Thùy Trang (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, mới đây chị mới biết con mình hâm mộ Khá Bảnh. Khi bị bố mẹ phản đối, con chị còn cho rằng, bố mẹ “lạc hậu”, không biết xu hướng thời cuộc là gì.
“Tôi đã tâm sự, chia sẻ với con rất nhiều về điều này, nhưng con đều phản bác, chúng nó chơi với nhau có hội có thuyền, cùng nhau tung hô một thần tượng như Khá Bảnh là điều chúng tôi vô cùng lo lắng” - chị Trang nói.
Theo TS Trần Thành Nam - giảng viên Tâm lý, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, những học sinh tỏ ra hâm mộ và làm theo những hiện tượng xuất hiện trên mạng xã hội chủ yếu là học sinh cấp 2 và cấp 3, là giai đoạn tuổi dậy thì. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ.
Thậm chí những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Do đó, việc hâm mộ hay bắt chước những thứ trẻ cảm thấy thích thú là cách chúng thể hiện, tìm kiếm giới hạn bản thân. TS Trần Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần sát sao hơn trong việc dạy dỗ, định hướng con cái. Đặc biệt, cha mẹ nên thường xuyên chia sẻ với con mọi niềm vui, nỗi buồn, cũng như tìm hiểu thị hiếu, sở thích để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo TS Trần Thành Nam, ngoài việc dạy dỗ, định hướng của gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh. Thầy cô giáo không nên chỉ dạy trẻ kiến thức sách vở để lấy điểm số, thành tích, mà cần quan tâm hơn đến việc dạy kỹ năng sống, giúp trẻ ứng xử với mọi tình huống trong cuộc sống, cùng như ứng xử trên mạng xã hội. Điều này vô cùng quan trọng, sẽ tránh cho trẻ được những nhận thức lệch chuẩn. Bởi sự lệch lạc trên có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.