Khi hoa hậu… về làng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 ngày sau khi đăng quang, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà trở về quê nhà xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Hàng nghìn người dân đã tập trung tại khuôn viên UBND xã Cầu Lộc để chào đón người con xinh đẹp của quê hương. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức chào đón hơi khoa trương trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến mới.
Nghênh đón ầm ĩ

Làng quê xã Cầu Lộc vốn dĩ bình yên. Nhưng ngày 1/12, nơi đây bỗng dưng đông vui như ngày hội, người dân hào hứng đổ ra đường chào đón Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà. Để có cơ hội cho Hoa hậu Đỗ Thị Hà chia sẻ niềm vui, UBND xã Cầu Lộc đã bố trí khu vực hội trường của xã làm địa điểm cho buổi gặp gỡ. Học sinh mặc áo trắng đeo khăn quàng, trên tay cầm cờ; các bà, các chị mặc áo dài tay cầm hoa, xếp hàng dài 2 bên để chào đón tân hoa hậu. Trước đó, người dân cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm sạch sẽ.
 Tình cảm đặc biệt người dân dành cho tân hoa hậu Đỗ Thị Hà. Ảnh: Minh Hải.

Thầy Phạm Văn Quý - giáo viên chủ nhiệm thời THPT của Đỗ Thị Hà cho biết: "Sở dĩ hoa hậu được yêu mến vì cô là một người ngoan ngoãn, học giỏi. Hơn nữa, trước kia gia đình tân hoa hậu cũng không khá giả, đều làm nông, sống rất chan hòa với mọi người". Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc Ban Tổ chức hơi rềnh rang cờ hoa, xe cộ để chào đón. Đặc biệt, buổi gặp gỡ đông người diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến mới.
Một trường hợp khác, đầu năm 2018, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê cũng được chào đón nồng nhiệt tại quê nhà song dư luận lại dành cho cô hoa hậu tóc tém nhiều thiện cảm. Bởi khi về với buôn Sứt M'đưng (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk), Hoa hậu Hoàn vũ 2017 mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Êđê, di chuyển cùng với gia đình bằng xe công nông giản dị, vẫy tay chào tất cả bà con. Đáp lại tình cảm của người dân trong buôn làng, Hoa hậu H’hen Niê giương cao tấm bảng bằng tiếng Êđê. Việc làm này của H'hen Niê đã trở thành hình ảnh đẹp được báo giới và dư luận xã hội đánh giá cao.

Nên chừng mực hơn

Trở lại câu chuyện đón tiếp Hoa hậu Đỗ Thị Hà, theo các chuyên gia tâm lý, việc người dân tiếp đón hoa hậu không cần soi xét khắt khe. Bởi, người Việt có truyền thống hâm mộ người có tài sắc. Đơn cử, năm 2018, hàng nghìn người dân Thủ đô cũng đổ ra đường để chào đón đội tuyển U23 Việt Nam trở về sau khi giành Huy chương Bạc giải U23 châu Á. Lần đón tiếp đó đã được truyền thông quốc tế dành nhiều "lời có cánh" ca ngợi tinh thần đoàn kết dân tộc, yêu thể thao, tinh thần Việt lan tỏa từ chiến thắng của U23 Việt Nam. Bởi vậy, cũng dễ hiểu cho tâm lý ngưỡng mộ và dễ vui trước các thành công của con em đất Việt.
 Người dân chào đón hoa hậu Đỗ Thị Hà tại quê nhà. Ảnh:  Báo Dân Việt.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ: “Việc người dân tập trung để bày tỏ niềm vui, tự hào thì không nên phê phán, vì không vi phạm pháp luật. Người dân muốn biết con, cháu của mình từ một cô bé chân lấm tay bùn khi trở thành hoa hậu như thế nào cũng là điều bình thường. Nếu Đỗ Thị Hà xuất thân từ TP lớn, điều kiện tốt hơn, người dân có lẽ không đón tiếp như vậy”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, việc dư luận đã có ý kiến trái chiều về việc ô tô nối dài thành đoàn, xe trước rước bố mẹ, xe sau rước Đỗ Thị Hà là quá khoa trương. Hơn nữa, việc các em học sinh mặc áo trắng, đeo khăn quàng; phụ nữ mặc áo dài xếp hàng dài 2 bên chào đón hoa hậu cũng được đánh giá là hình ảnh không mấy đẹp mắt trong buổi lễ nghênh đón này. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Ban Tổ chức nên tổ chức chào đón một cách có chừng mực. Sau đó, khi hoa hậu về nhà, hàng xóm láng giềng đến chung vui một cách ấm cúng” - TS Đinh Đoàn bày tỏ.
Qua sự việc trên có thể thấy, cách tổ chức khoa trương, không phù hợp với bối cảnh dịch bệnh của chính quyền địa phương vô tình ảnh hưởng đến hình ảnh của Đỗ Thị Hà. Bởi thực tế, nàng hậu có lẽ cũng bất ngờ trước sự đón tiếp quá trọng thị, rầm rộ của địa phương dành cho mình khi trở về "vinh quy bái tổ". Đặc biệt là ngay sau đêm đăng quang, tân Hoa hậu Việt Nam 2020 đã vướng vào không ít lùm xùm về những phát ngôn trên mạng xã hội từ thời tuổi "ô mai" bị cư dân mạng đào xới lại.