Khi học sinh trở lại trường vẫn học song song giữa trực tiếp với trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong trạng thái bình thường mới, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19, nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị cho học sinh đến trường học trực tiếp. Các thầy cô giáo khẳng định, kể cả đi học trực tiếp thì những nền tảng công nghệ trực tuyến được bồi đắp thời gian qua vẫn giữ nguyên vai trò và giá trị.

Học trực tuyến song song, bổ trợ học trực tiếp
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 8/10, cả nước có 23 địa phương dạy học trực tiếp; 9 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 31 địa phương dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Hình thức dạy- học ở các địa phương có sự biến động tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, việc chủ động chuyển trạng thái đã được Bộ GD&ĐT tính đến. Tại văn bản hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục mới ban hành, Bộ GD&ĐT khẳng định “khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập”. Theo đó, hình thức học tập ở giai đoạn hiện nay tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa bàn, tương ứng với 4 cấp độ: Cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình); cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).
 Hình thức học trực tuyến vẫn được mở rộng theo đà phát triển của CNTT
Bày tỏ quan điểm về việc khi học sinh được đến trường học trực tiếp thì hình thức học trực tuyến sẽ ra sao, ông Lê Đức Thuận- Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Khi chuyển học trực tiếp thì hình thức học trực tuyến chắc chắn vẫn được mở rộng theo đà phát triển của CNTT. Dạy học trực tuyến có những ưu điểm nổi bật mà dạy trực tiếp không có được như tính tiện lợi, quy mô tập hợp đông đảo, an toàn giãn cách, tiết kiệm … “Chính bởi vậy, sau khi học sinh được đến trường, việc học tập, hội họp trực tuyến sẽ vẫn được sử dụng vì những ưu điểm của nó. Chỉ có điều, tỉ lệ trực tiếp/trực tuyến sẽ phụ thuộc vào ý chí của Ban giám hiệu và khả năng đáp ứng về công nghệ của từng trường cũng như của cha mẹ học sinh” - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận nói.
Hiểu đúng về “dạy học trực tuyến”
Còn Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho hay: Học trực tuyến và qua truyền hình là những hình thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Ở một số nơi vẫn chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của dạy học trực tuyến khi cho rằng vì dịch bệnh Covid- 19 nên mới có hình thức trực tuyến.
Trên thực tế, ứng dụng CNTT trong dạy học là hướng tiếp cận tổng thể, liên tục chứ không chỉ trong một giai đoạn nhất định nào đó. Học trực tuyến có đầy đủ hành lang pháp lý và trong nhiều văn bản đã ban hành cũng như kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đều quán triệt nhiệm vụ này.
Có thể nói, dịch bệnh Covid- 19 là một “đợt kiểm tra” việc thực hiện ứng dụng CNTT trong dạy- học. Năm 2020, dịch bệnh Covid- 19 mới bùng phát và cũng là thời điểm đòi hỏi phải có giải pháp quản lý, chỉ đạo cụ thể về chuyên môn dạy học để ứng phó với tình hình thực tế.
 Dạy học trực tuyến vẫn song hành với dạy trực tiếp
Bộ GD&ĐT có Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 về việc hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19 năm học 2019- 2020. Tiếp đến, Bộ ban hành Thông tư 09/2021/TT- BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. “Thông tư 09 là hành lang pháp lý quản lý toàn bộ nội dung liên quan đến dạy học trực tuyến (bao gồm hạ tầng, nhiệm vụ, trách nhiệm, tập huấn, kho học liệu…). Hành lang pháp lý này không phải để ứng phó với dịch mà để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó nhấn mạnh: Dạy học trực tuyến hỗ trợ, song song với dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và có thể thay thế cho dạy học trực tiếp trong trường hợp bất khả kháng”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết.
Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh: Thời gian tới, khi trường học mở cửa trở lại, dạy học trực tuyến vẫn tiếp tục song hành cùng dạy trực tiếp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học. Vì vậy các nhà trường cần coi đây là nhiệm vụ, tích cực phát huy những kinh nghiệm đã có, đã khai thác thời gian qua; đẩy mạnh ứng dụng CNTT để giáo dục có thể chuyển trạng thái bất cứ lúc nào. Và kể cả khi đã chuyển học trực tiếp, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục bổ sung kho học liệu trực tuyến cũng như các bài giảng trên truyền hình. Theo đó, đội ngũ giáo viên đã được tập huấn cần chủ động khai thác hiệu quả kho học liệu này để bổ trợ trong công tác giảng dạy.
Trong Công văn 4726/ BGDĐT- GDTC về tổ chức dạy học trực tiếp, Bộ GD&ĐT nêu căn cứ phân loại, đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn (cấp phường/xã, quận/huyện, tỉnh/TP) để quyết định tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn:
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp, củng cố các điều kiện hạ tầng, CNTT, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức học khác khi diễn biến dịch phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch cở cấp độ 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với các cấp học phổ thông, ưu tiên dạy học trực tiếp lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9, lớp 12; đảm bảo giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn khác.
Đối với địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì căn cứ tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.