Khi không còn là “nghi án”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty TNHH METRO Cash & Carry (Metro Việt Nam) có tên trong nghi án chuyển giá từ năm 2009.

Thời điểm đó, cùng với một số DN nước ngoài khác như Coca - Cola, PepsiCo..., Metro Việt Nam bị coi là đã liên tục khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Tuy nhiên, từ đó đến nay về mặt chính thức, các nghi án này vẫn chỉ là nghi án vì chưa có một quyết định nào được công bố chính thức. Chính vì thế, việc bóc trần hành vi chuyển giá của Metro Việt Nam mà ngành thuế vừa công bố mới đây cho thấy, đã đến lúc không thể kéo dài những nghi án chuyển giá, trốn thuế. Trong kết luận thanh tra, ngành thuế đã yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền 507 tỷ đồng. Mặc dù số tiền này chưa thể phản ánh đầy đủ phần nghĩa vụ thuế mà DN đúng ra phải nộp nhưng nó đã cho thấy quyết tâm xử lý những hành vi vi phạm trên. Thực tế, có một thời gian dài, những thông tin về chuyển giá nói riêng, thanh kiểm tra thuế nói chung chỉ được ngành thuế coi là thông tin “nội bộ” giữa ngành này và các DN, hầu như không được công bố chính thức, và báo chí cũng không thể tiếp cận. Điều này không khỏi khiến cho nhiều người nghĩ rằng, câu chuyện chuyển giá sẽ mãi dừng lại ở “nghi án” thay vì là một vấn đề mà ngành thuế đang quyết liệt xử lý.
Khi không còn là “nghi án” - Ảnh 1
Tuy nhiên, sau khi bóc trần được hành vi chuyển giá, trốn thuế của Metro Việt Nam, việc xử lý tiếp theo sẽ ra sao? Câu chuyện vẫn dường như chưa thể kết thúc khi mà các ngành chức năng vẫn còn đang rất lúng túng. Điều đó thể hiện ngay trong kết luận thanh tra khi đưa ra số tiền truy thu, điều chỉnh, giảm lỗ 507 tỷ đồng - con số mang tính ước lượng nhiều hơn là một con số cụ thể. Bởi theo quy định hiện hành, trong 507 tỷ đồng có 62 tỷ đồng là số tiền yêu cầu điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các chi phí bồi hoàn cho công ty mẹ Metro Việt Nam tại Đức để trả lương cho nhân viên nước ngoài. Tuy nhiên, thực hiện việc điều chỉnh này không có nghĩa là số tiền 62 tỷ đồng sẽ được nộp vào ngân sách, mà chỉ là điều chỉnh giảm chi phí, giảm lỗ. Đối với một DN lỗ triền miên như Metro Việt Nam thì điều chỉnh như vậy không có ý nghĩa gì. Đối với khoản tiền giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 110 tỷ đồng và điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại 335 tỷ đồng thì với việc 12 năm liên tiếp Metro Việt Nam báo lỗ (lên tới 1.657 tỷ đồng) thì yêu cầu giảm lỗ và giảm khấu trừ chỉ mang giá trị nhắc nhở là chính, ngân sách cũng khó thu được cho đến khi Metro Việt Nam có lãi.

Chuyển giá là hoạt động không sai luật, DN có thể lỗ vì mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường…, nhưng điều quan trọng, tới đây, trách nhiệm của Thanh tra thuế phải chỉ rõ Metro Việt Nam trả lương cao cho nhân viên, lãnh đạo nước ngoài cho công ty mẹ tại Đức… có được đưa vào chi phí để nộp thuế thu nhập cá nhân hay không? Tiền đưa vào đâu, làm gì? Và khi đã xác định được hành vi “gửi giá” cho công ty mẹ tại Đức; hạch toán phân bố chi phí để cố tình báo lỗ… thì phải coi là các hành vi gian lận, khi đó phải xử lý cương quyết.