Khi kỹ sư cơ khí làm… nông dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều người, thu nhập từ nông nghiệp chỉ đủ ăn đủ tiêu. Nhưng với anh Nguyễn Văn Dương, một kỹ sư cơ khí, thì sản xuất nông nghiệp vẫn có thể làm giàu.

Người dám nghĩ, dám làm

Ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, anh Nguyễn Văn Dương là một điển hình trong việc phát triển kinh tế trang trại của địa phương. Vốn là kỹ sư cơ khí, nhưng anh lại quyết định về quê, gắn bó với đồng ruộng, cái nghề mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang muốn rời xa. 
Anh Nguyễn Văn Dương đang chăm sóc nhím.
Anh Nguyễn Văn Dương đang chăm sóc nhím.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên anh Dương hiểu rõ sự vất vả của người nông dân. Ấy là việc họ làm quần quật quanh năm, suốt tháng trên đồng ruộng  nhưng hiệu quả lao động chẳng là bao. Thế nên, để chuẩn bị cho việc “làm nông dân” của mình, anh đã tìm hiểu sách báo, mạng xã hội và mạnh dạn đưa con nhím về nuôi. Vốn liếng khởi nghiệp của anh chỉ là một cặp nhím giống. Sau 3 năm, đàn nhím của anh sinh sôi, nảy nở tăng lên thành 20 cặp. Hiện nay, tổng đàn nhím giống của anh đang nuôi là 200 cặp. 

Anh Dương chia sẻ, nhím là loài vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc cho nhím ăn. Muốn nhím khỏe mạnh, phát triển tốt phải cho ăn đúng cách, đúng giờ và phân bổ lượng thức ăn cho phù hợp. Loài nhím thường hoạt động vào ban đêm, nên phải phân bổ 70% thức ăn vào ban đêm, 30% lượng thức ăn còn lại cho ăn vào ban ngày. Ngoài ra, người nuôi nhím cần phải thường xuyên dành thời gian quan sát để hiểu rõ tập tính sinh hoạt của chúng, từ đó có những điều chỉnh khi chăm sóc cho phù hợp.

Từ nguồn thu từ bán nhím thịt và nhím giống, anh Dương tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại. Sau gần 10 năm gây dựng sự nghiệp, hiện nay, diện tích trang trại của anh đã lên tới gần 4ha. Anh tiến hành đánh luống cao để trồng bí đỏ, phần rãnh được tận dụng nuôi thả cá. Chính cây bí đỏ đã tạo ra cơ hội làm giàu mới cho anh. Quả bí ngoài phần cùi làm thức ăn cho nhím, phần hạt được anh tận dụng phơi khô bán làm hạt giống. Theo kinh nghiệm của anh thì lứa đầu tiên, cây bí đỏ cho quả to nhất nhưng tỷ lệ đậu quả không cao do chỉ có hoa cái. Để bí đậu quả nhiều hơn, anh phải lấy hoa đực từ nơi khác về thụ phấn, nhờ vậy không mùa bí nào anh mất mùa. Sau khi thu bí xong, anh tiến hành đổ nước ngập luống để cá có thể lên ăn rau, cỏ trên luống bí. Đây hoàn toàn là những kiến thức được anh đúc rút từ thực tế sản xuất mà không có tài liệu, sách vở nào dạy

Hiện tại, anh là đại lý chính cung cấp hạt bí giống trên toàn miền Bắc. Vụ bí năm 2015, anh thu hoạch được 50 tấn quả, xuất ra thị trường 8 tạ hạt, thu về 400 triệu đồng. Tổng doanh thu từ bán nhím, cá và hạt bí mang về cho anh trên 1 tỷ đồng.

Một tấm gương làm giàu                                         

Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Dương đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhím thường hay bị bệnh, chậm lớn. Những năm 2010, thịt nhím mất giá một nửa, 1kg nhím thịt chỉ còn 120.000 đồng. Nhiều người nuôi nhím đã nhanh chóng bỏ cuộc chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, anh Dương vẫn kiên trì với công việc mình đã lựa chọn và tìm cách để khắc phục khó khăn. Bên cạnh việc chủ động nguồn thức ăn sạch cho nhím, anh tiếp tục lặn lội đi đến các nhà hàng, khách sạn để tìm mối xuất hàng thường xuyên. Hiện nay, anh đã xây dựng được mối hàng thường xuyên với gần 10 nhà hàng lớn trên địa bàn Hà Nội.

Ông Lê Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, anh Dương là một điển hình trong việc phát triển kinh tế và là người tiên phong trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Từ thành công của anh đã có nhiều hộ gia đình noi theo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng trang trại và đều đạt hiệu quả. Thành công của các hộ này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. “Trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp rất cần những con người năng động dám nghĩ, dám làm như anh Dương để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp” - ông Chung nhấn mạnh.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần