Không chỉ ở ngoài xã hội, những đứa trẻ còn bị chính người thân trong gia đình đánh đập, ngược đãi, khiến dư luận xã hội bất bình và đau xót.
Việc hành hạ, đánh đập trẻ em lâu nay vẫn thường xảy ra, nhưng chưa bao giờ dư luận lại bức xúc đến vậy. Số vụ trẻ bị đánh đập, hành hạ xuất hiện trên mặt báo liên tục những ngày qua. Từ câu chuyện cháu bé 7 tuổi ở Kiên Giang nghi bị cha và mẹ kế dí sắt nung đỏ vào má, nhiều người lại nhớ đến câu chuyện cách đây vài năm, một cô bé 4 tuổi cũng bị chính mẹ ruột và cha dượng hành hạ đến mức chấn thương não và toàn thân bầm tím. Rồi vụ bà mẹ đánh con đến chết, không phải để răn dạy mà chỉ thỏa cơn điên giận của mình…
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, con số bạo hành trẻ em lên đến hàng nghìn vụ. Trong đó, nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, những người phải có trách nhiệm bảo vệ các em có hành vi bạo lực. Và con số thực tế cũng được chính các cơ quan chức năng thừa nhận là lớn hơn rất nhiều bởi không thể thống kê. Như một dòng nước đục, những vụ việc được phát hiện hoặc không bị phát hiện cứ âm ỉ chảy trong đời sống, sau mỗi cánh cửa. Mái nhà không còn là nơi bình yên với nhiều đứa trẻ.
Trong gia đình, bạo lực trẻ em tồn tại dưới hai hình thức: Lạm dụng thân thể, phạt đánh bằng tay chân, hay đòn roi khi trẻ mắc lỗi, hoặc khi người trừng phạt muốn trẻ tiến bộ hơn. Và hình thức dưới dạng ngược đãi tâm lý trẻ em, phổ biến là mắng chửi trẻ. Có thể thấy các ông bố, bà mẹ đánh đập con vì nhiều nguyên nhân: Không phải con ruột, do trẻ không nghe lời, do bố mẹ công ăn việc làm bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn về kinh tế... nên họ đã “giận cá, chém thớt” trút hết vào con trẻ, hoặc có thể bởi cả những lý do “nhìn ngứa mắt thì đánh”. Và những trận đòn roi bao giờ cũng đi kèm những lời chửi rủa độc địa.
Nhưng điều đáng nói, ở không ít gia đình vốn dĩ phải tràn ngập tình yêu thương vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ. Nguyên nhân là do nhiều bố mẹ cho rằng, việc đánh con là quyền của họ và còn bởi quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”, “phải đánh mới nên người”. Nhiều trường hợp vì tuổi thơ chính bố mẹ cũng bị ngược đãi, nên họ lại theo lối mòn ấy dạy con.
Nhìn từ những vụ việc vừa qua có thể thấy, hậu quả của bạo hành trẻ em không hề nhỏ, ngoài việc chịu đau đớn và tổn thương về thể xác, nhiều em còn sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài, có trường hợp bị dồn đến mức hoảng loạn đã tự tử bằng thuốc trừ sâu, hay cứa cổ, tự làm đau bản thân mình... Đây là chứng cứ cho việc tự hành xác, tự làm đau mình để tìm đến sự thư thái về tinh thần của trẻ bị trầm cảm. Điều đó ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển sau này của trẻ. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay, mà dần hình thành trong cách ứng xử khi trẻ trưởng thành.
Gia đình là nơi trẻ sống nhiều nhất và đa số vụ bạo hành trẻ em xảy ra từ gia đình, làm sao để ngăn trẻ bị bạo hành ngay trong chính gia đình mình là vấn đề liên tục được đặt ra, nhiều giải pháp đã được thực thi. Luật Trẻ em đang được thi hành. Những quy định rất rõ ràng về việc bố mẹ bạo hành con đã được quy định. Nhưng trở lại những vụ việc vừa qua, có nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, người thân bạo hành trẻ có phải do đạo đức xã hội đang có vấn đề hay việc tuyên truyền, phòng tránh, bảo vệ trẻ em chưa thực sự hiệu quả. Có lẽ chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn, đã gây tổn hại đến trẻ. Đồng thời, do sự “vô cảm” của cả chính quyền và xã hội. Bởi có những vụ bạo hành trẻ xảy ra một thời gian dài, mà lãnh đạo và chính quyền địa phương không biết, hàng xóm không hay. Sự thờ ơ cũng là chất xúc tác cho nạn bạo hành bùng phát.
Có người đã đặt vấn đề, dù là chuyện riêng của mỗi gia đình, nhưng nếu tình trạng bạo hành xảy ra, thì trong từng trường hợp cụ thể, chính quyền địa phương phải phân tích, xem xét tại sao lại có và đề ra biện pháp. Bởi không ai hiểu người dân mình hơn chính quyền địa phương. Không nên để tình trạng cứ mấy tháng lại xuất hiện vụ bạo hành trẻ em, để rồi chính quyền, các cơ quan chức năng lại “theo đuôi” xử lý, rồi đâu lại đóng đấy, bạo hành vẫn tiếp diễn.