Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi nào thị trường bất động sản phục hồi?

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu quý II/2020, có khoảng 800 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tuyên bố ngừng hoạt động, thì đến hết quý III đã có gần 700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS sẽ còn khó khăn trong thời gian dài.

Doanh nghiệp phá sản tăng
Tổng cục Thống kê vừa công bố số lượng DN phải dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 DN, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước, có 27.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 12.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%, riêng lĩnh vực BĐS có gần 700 DN. Trong khi đó, theo báo cáo của Vietnam Report, năm 2019, ngành kinh doanh BĐS có khoảng 680 DN tuyên bố giải thể.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thực tế thị trường BĐS đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống từ cuối năm 2018, khi Chính phủ thực hiện một số biện pháp, như siết chặt thủ tục cấp phép dự án, giảm nguồn vốn trung và dài hạn cho vay ngắn hạn... Từ đầu năm 2020 đến nay, liên tiếp phải trải qua 2 đợt dịch Covid-19, gây ra những phức tạp và ảnh hưởng khó lường đối với thị trường BĐS.
Nhiều dự án BĐS vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc vào pháp lý. (Trong ảnh: Dự án Ba Đình Landmark - Hà Nội)
“Các DN BĐS vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng thì tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính sẽ khá lớn, nguy cơ số DN, sàn giao dịch phá sản có thể tăng lên” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định.
Đẩy nhanh các gói hỗ trợ
Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù số lượng giao dịch từ đầu năm đến nay thấp, nhưng giá bán sản phẩm sơ cấp, trung bình tại TP Hồ Chí Minh tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tại thị trường Hà Nội, phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường, đóng góp 88,3% vào tổng nguồn cung mới và chiếm 86,8% tổng khối lượng bán.
“Thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trưởng trở lại nhờ các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt là sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập TP Thủ Đức. Tại Hà Nội, với khoản 24.200 căn hộ từ 22 dự án thuộc phân khúc trung cấp sẽ được mở bán vào cuối năm, những diễn biến trên sẽ mở ra kỳ vọng cho chu kỳ phục hồi của thị trường” - một chuyên gia nhận định.
Mặt khác, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho rằng, sự phục hồi của thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019). Tuy nhiên, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm.
Để khắc khục tình trạng này, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp mang tính bổ trợ và dài hạn khác, như nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ khẩn cấp; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là về thủ tục hành chính; ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn FDI; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, xuất khẩu và tiến trình phát triển kinh tế số...
“Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại; sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2). Qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành nghề trong 8 tháng đầu năm 2020, cần có sự lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ” - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.