Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi người lao động cạnh tranh với robot

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, con người bị máy móc thay thế không còn là tương lai xa vời mà đã hiển hiện.

Chưa khi nào người lao động cũng như các DN Việt phải đối mặt trước sức ép cạnh tranh với công nghệ lớn như hiện nay.
 Ảnh minh họa
Theo dự báo của Liên Hợp quốc, sẽ có 75% lao động trên thế giới bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Đặc biệt, tỷ lệ này xảy ra với ngành may mặc lên đến 86%. Thực tế, tại Việt Nam đã có những công ty sa thải đến 90% người lao động bởi đã kịp nhập dây chuyền sản xuất tự động, vỏn vẹn chỉ cần dùng 5 robot thay cho hàng nghìn nhân công như trước đây.
Ở nhiều DN trong nước, đặc biệt là những DN lớn sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư những dây chuyền hiện đại, tự động hóa hầu như toàn bộ các khâu sản xuất. Mối lo mất việc làm đối với người lao động như được nhân rộng ra, đặc biệt đối với lao động trình độ thấp. Một thực trạng đáng buồn, đến nay, trong tổng số gần 55 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 20,6%. Bởi vậy, mới có chuyện, năng suất lao động của Việt Nam đứng vào top thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần.
Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra rằng, gần 50% DN được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai, 38% DN không có sự kết nối giữa DN và cơ sở đào tạo. Điều đó cho thấy vấn đề đào tạo nhân lực, sử dụng lao động đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, để người lao động, DN vận hành trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ cần sự vào cuộc của mỗi lao động, mỗi DN Việt, mà cao hơn, ở cấp độ quốc gia, cần có chiến lược đào tạo nhân lực phù hợp. Nếu không, sức cạnh tranh, sự phát triển, đầu ra của DN sẽ “thua ngay trên sân nhà”.
Và, chủ đề việc làm, chất lượng nguồn nhân lực là một chương trình quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC - một trọng những sự kiện quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra tại Việt Nam. Tại hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, quan tâm đầu tư vào con người chính là để củng cố đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại, đầu tư về dài hạn. Đây chính là tiền đề quan trọng để DN tiếp tục tận dụng cơ hội, mở rộng đầu tư, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng chính là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam phát triển, vươn xa hơn. Điều quan trọng hiện nay là chiến lược hành động đồng bộ, hiệu quả và ý thức từ chính mỗi DN và người lao động trong việc nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh cho từng sản phẩm, dịch vụ.