Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi nhà máy đường không có nguyên liệu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu vụ mía đường 2010 - 2011, các nhà máy đường tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã họp lại cùng nhau cam kết:

KTĐT - Đầu vụ mía đường 2010 -2011, các nhà máy đường tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã họp lại cùng nhau cam kết:

Không mua mía non, mía kém chất lượng mà mua đúng "chữ" đường, không mua phá giá khi đến "chia sẻ" vùng nguyên liệu của nhà máy đường khác. Tuy cam kết vậy nhưng trong thực tế lại có chuyện mua bằng mọi cách, mua cả mía non không đạt "chữ" đường, mua với giá cao để cạnh tranh, giành giật nguyên liệu.


Nhà máy đường NIVL (Ấn Độ, 100% vốn nước ngoài) là một điển hình của việc vi phạm các cam kết. Bắt đầu từ cuối tháng 9 sau khi khởi động vụ ép, NIVL mở một chiến dịch mua gom mía ở toàn vùng ĐBSCL nhất là khu vực Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Bến Tre. Mỗi ngày NIVL mua gom 2.000 tấn mía cây, bất kể mía non, kém "chữ" đường với giá bao trọn gói từ 840 - 860.000 đồng/tấn, lại hỗ trợ thêm 140.000 đồng/tấn tiền vận chuyển. Vì thế nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp, Bến Tre đổ xô chặt mía bán cho NIVL. Việc vi phạm cam kết của NIVL đã làm giá mía ở ĐBSCL nóng lên từng ngày và nhiều nhà máy đường trong khu vực đang ngửa mặt kêu trời vì mất nguyên liệu. Giá mía lúc đầu dự kiến chỉ 900 - 950.000 đồng/tấn nhưng nay đã lên 1 triệu đồng/tấn. Mới đây, 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL đã phải quyết định tăng thêm 100 đồng/kg đẩy giá mía lên 1,1 triệu đồng/tấn.


Chuyện tranh giành nguyên liệu, tranh mua, tranh bán mía cây ở ĐBSCL sẽ là chuyện không chỉ ở năm nay mà chuyện dài dài. Bởi tình trạng các nhà máy mọc lên nhưng không xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu để đảm bảo nhà máy có nguyên liệu dài trong nhiều tháng. Chẳng hạn nhà máy đường NIVL có công suất 4.500 tấn mía/ngày (chỉ sau nhà máy Bourbon 8.000 tấn/ngày) nếu chạy đúng 7 tháng trong năm thì NIVL cần khoảng 800.000 tấn mía. Nhưng do không chú trọng đầu tư vào vùng nguyên liệu nên NIVL tranh mua nguyên liệu của các nhà máy đường khác. Ngoài việc đẩy giá mía lên cao, NIVL mua cả mía non không đủ "chữ" đường khiến cho hiệu suất thu hồi đường giảm, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Cái đáng lưu ý hơn chính là do đẩy giá mía tranh mua nguyên liệu từ vùng nguyên liệu của các nhà máy đường khác, NIVL đã phá vỡ quan hệ của người trồng mía trong vùng nguyên liệu với chủ đầu tư. Năm nay, giá đường sẽ còn tăng cao, nhà máy NIVL có thể vẫn có lời dù giá thành sản xuất sẽ cao (do giá nguyên liệu cao, "chữ" đường thấp…).


Nhưng rõ ràng cách làm sản xuất mà không tổ chức tốt vùng nguyên liệu sẽ chỉ gây tác hại không chỉ cho nhà máy mà cả cho xã hội. Đó chẳng khác gì xây nhà trên cát, nguy hại khôn lường. Chính quyền địa phương cần chấn chỉnh hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài này.