Hơn 165.000 nông dân lên sàn bán nông sản
Mới đây, 50 hộ nông dân, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đông Anh đã bắt tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nông dân được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành.
Bên cạnh đó là các thông tin hỗ trợ hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, tiếp cận với nguồn thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và bán được ra thị trường.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, năm 2022, Hội Nông dân TP phối hợp với Bưu điện Hà Nội rà soát, thu thập thông tin của tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn.
Theo đó, các hộ nông dân sản xuất giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu với những loại nông sản an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia sàn thương mại điện tử trước. Hoạt động được tổ chức triển khai thí điểm ở huyện Đông Anh và huyện Chương Mỹ.
“Mỗi nông hộ, mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác đều có thể mở được một gian hàng số. Tham gia bán nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart/Agri-postmart.vn, nông dân sẽ giảm được chi phí trung gian, giảm chi phí thuê kho, không phụ thuộc thương lái, nâng cao giá trị nông sản” - bà Phạm Hải Hoa cho hay.
Thực tế từ trước đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thành lập các nhóm, tổ tiêu thụ sản phẩm qua trang điện tử. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, hàng nghìn tấn nông sản đã được nông dân các huyện kết nối tiêu thụ thông qua hình thức này. Tuy nhiên, số hộ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa tạo được nguồn giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm nông nghiệp.
Tăng cường liên hết với doanh nghiệp
Theo nhận định của các chuyên gia, những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp hình thành ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã mang đến những giá trị mới có tính bền vững.
Không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu với UBND TP có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong nền nông nghiệp số.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm; đồng thời yêu cầu các đơn vị trong ngành nông nghiệp chủ động phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với DN chuyển đổi số và DN phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời liên kết với DN chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ nhưng đây lại là hạn chế của những người nông dân vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống. Do vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, TP sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.