KTĐT - Nếu mất học bạ, em cần đến Sở GD-ĐT để được hướng dẫn làm lại học bạ. Nếu em vẫn giữ bản sao học bạ thì chỉ cần cầm bản sao nay cùng bằng tốt nghiệp của mình xuống Sở GD-ĐT địa phương để được hỗ trợ làm lại.
Mất học bạ THPT thì có được cấp lại? Thắc mắc về việc nộp duy nhất một bộ hồ sơ? Tự ý bỏ học muốn dự thi lại có cần xin phép? Boăn khoăn về học một lúc hai trường? Máy tính casio FX 500 ES có được sử dụng trong kì thi?...
*Trả lời:
Trước mắt, khi chưa làm lại được học bạ, em vẫn dự thi đại học bình thường vì khi đi thi thí sinh chỉ cần mang giấy báo dự thi; giấy CMND và thẻ học sinh để có thể kiểm tra đối chiếu khi cần thiết; giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước).
Xin nhấn mạnh với em là không có quy định như vậy. Trước đây có một số phương tiện thông tin đại chúng trích dẫn lời của lãnh đạo Bộ về vấn đề em nêu. Tuy nhiên tại Hội nghị tuyển sinh toàn quốc vấn đề này đã không được đồng ý.
Em hiện đang là sinh viên đại học, và hiện em đang học ở ngoại tỉnh. Năm nay em có nguyện vọng thi đại học tiếp, vậy em muốn hỏi việc làm hồ sơ của em có gì khác với khi em là học sinh lớp 12 không? Và em sẽ phải nộp hồ sơ dự thi ở đâu? Ở nơi em đang học hay địa phương của em?( eternal.love_7691@yahoo.com)
Về cơ bản thì hồ sơ ĐKDT của em không khác gì so với học sinh lớp 12. Điểm khác duy nhất trong hồ sơ ĐKDT đó là mã đơn vị ĐKDT. Tùy thuộc em nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nào mà sẽ có mã đơn vị ĐKDT tương ứng.
Hồ sơ ĐKDT em có thể nộp ở bất kỳ tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nào gần nơi mình cư trú nhất.
Em năm nay 20 tuổi, hiện đang học tại đại học Bách khoa HN. Năm nay em muốn thi lại một trường khác. Nếu em thi đỗ, khi nộp hồ sơ nhập học vào trường mới, thì có cần nộp giấy chuyển nghĩa vụ quân sự không, bởi giấy này em đãnộp bên trường Bách khoa 2 năm trước. Nếu phải nộp thì em có thể lên ban chỉ huy quân sự Huyện để xin cấp lần nữa không? (pcqlbtl@gmail.com)
Theo quy định thì sinh viên đang theo học tại các trường ĐH muốn dự thi lại thì phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Chính vì thế em nên thực hiện nghiêm túc quy định này để tránh những rắc rối có thể phát sinh khi em thi đỗ ĐH.
Theo Ban tư vấn được biết thì nếu làm đúng nguyên tắc Ban chỉ huy quân sự chỉ cấp giấy chuyển nghĩa vụ quân sự một lần không làm lại lần thứ 2. Tuy nhiên tùy vào từng điều kiện cụ thể mà quy định cứng này có thể được “nới”. Tốt nhất em nên liên hệ với Ban chỉ huy quân sự địa phương để hỏi trực tiếp về vấn đề này.
Xin cho em hỏi: năm ngoái em có thi đại học nhưng không đậu, mà chỉ đậu vào hệ cao đẳng của trường ĐH Kỹ thuật - Công Nghệ TPHCM. Em đã học ở trường được 2 tháng nhưng em cảm thấy trường đóng học phí mắc quá nên em tự ý bỏ học mà không xin phép trường. Năm nay em tính thi lại một lần nữa, vậy khi em đi thi em có bị vướng mắc gì từ trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TPHCM hay không? Nếu có thì em nên giải quyết như thế nào? (vanduc198@yahoo.com.vn)
Em học hai tháng sau đó không học tiếp thì coi như là bỏ học không lý do. Sau khi kết thúc năm học nhà trường sẽ ra dựa trên kết quả học tập để ra quyết định thôi học.
Theo quy chế hiện hành thì khi sinh viên xác định bỏ học trước khi dự thi thì tốt nhất nên rút toàn bộ hồ sơ ở trường mình đã trúng tuyển trước đó. Sau khi rút hồ sơ thì coi như là một thí sinh tự do và làm hồ sơ bình thường mà không cần xin phép Ban giám hiệu nhà trường.
Theo như kế hoạch đào tạo của nhà trường thì ngành Kiến trúc đào tạo 240 đơn vị học trình. Điều này tương đương với kế hoạch đào tạo trong vòng 4 hoặc 4,5 năm.
Mục tiêu đào tạo của nhà trường là sinh viên sẽ có kiến thức và nghiệp vụ về thiết kế kiến trúc các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, sử dụng được ngoại ngữ và công cụ tin học trong các hoạt động của mình.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể thiết kế các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, giám sát thi công xây dựng công trình. Như vậy, nhìn qua mục tiêu đào tạo thì khi em tốt nghiệp sẽ được công nhận là kiến trúc sư.
Như Ban tư vấn đã từng nói, nếu thật sự em cảm thấy thích thú và phù hợp với ngành học đó thì không nên bỏ. Trong trường hợp ngành học không phù hợp với khả năng của em thì lúc đó em mới tính đến việc thi lại.
Trên thực tế không phải cứ học các ngành “nóng” thì dễ xin việc. Đôi khi những ngành học ít được quan tâm lại trở thành có “giá”. Xu hướng tuyển dụng hiện nay là ngoài kiến thức học ở trường thì sinh viên cần phải có kỹ năng làm việc nhóm, trình độ tin học, trình độ ngoại ngữ…Nếu em hội tụ các yếu tố đó thì dù học ngành nào thì cơ hội vẫn rộng mở.
Mặt khác em còn 3 năm nữa mới tốt nghiệp ra trường vì thế không thể nói trước là ngành tin học thương mại có “giá” hay không có “giá” ở thời điểm đó. Hi vọng em sẽ có lựa chọn đúng đắn.
Bạn em bảo mọi năm thì không được mang máy tính casio FX 500 ES vào phòng thi như vậy có đúng không. Liệu năm nay có được mang máy tính đó vào không?(tran.linh199@gmail.com)
Theo quy định những loại máy tính được phép sử dụng trong phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại, …); Không có thẻ nhớ cắm thêm vào.
Đối với kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi ĐH, CĐ thí sinh chỉ cần sử dụng các máy tính cầm tay thông dụng, làm được các phép tính số học đơn giản (cộng, trừ, nhân, chia, khai căn, …), các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt (ln, exp,...).
Vào thời điểm này thì Bộ GD-ĐT chưa công bố danh mục các máy tính được phép sử dụng trong kì thi năm 2010. Tuy nhiên về mặt cơ bản thì danh mục này sẽ không khác so với các năm trước.
Theo quy định các năm trước thì đối với dòng máy tính Casio thì những dòng sau được phép sử dụng: FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 570 MS, FX 500 VN Plus, FX 570 ES. Như vậy máy tính FX 500 ES được phép sử dụng trong các kì thi.
Khi làm hồ sơ ĐKDT thì không nhất thiết phải chính tay em đảm nhận. Em hoàn toàn có thể nhờ người thân, bạn bè làm và nộp hộ. Tuy nhiên nếu nhờ người khác làm thì cần chú ý tránh những sai sót về mã ngành, tên trường dự thi…
Xin nhắc lại với em, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời chỉ có giá trị trong thời gian chờ được cấp bằng tốt nghiệp. Hiện tại em đã được cấp bằng thì coi như giấy chứng nhận tạm thời hết giá trị.
Theo quy định, thí sinh tự do muốn dự thi lại ĐH phải có bản gốc hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT. Để có được bản sao thì em liên hệ trực tiếp với Sở GD-ĐT địa phương nhé.
Em muốn học cùng một lúc 2 trường đại học là ĐH KHXHNV và ĐHNT. Nhưng theo em tìm hiểu, trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có đoạn viết: “Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác)”. Như vậy có phải là em không thể học cùng 1 lúc 2 trường đại học không? (hoangngan187@gmail.com)
Em đã hiểu lầm bản chất của vấn đề. Quy chế tuyển sinh chỉ có hiệu lực trong các kì thi mà thôi. Còn việc có được học hai trường một lúc hay không phải đối với quy chế học sinh, sinh viên và điều lệ trường ĐH.
Đoạn em trích dẫn nói trên hiểu đơn giản như sau: Khi tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ mà em đã trúng tuyển NV1 thì không được phép tham gia xét tuyển NV2 hay NV3 nữa.
Em muốn hỏi liệu có được thi vào 1 trường bằng cả 2 khối A và D hay không? Và có thể thi cùng khối D vào 2 trường khác nhau hay không?( hoangngan187@gmail.com)
Em chỉ cần để ý nguyên tắc này: ở cùng một đợt thi thì thí sinh chỉ được phép dự thi duy nhất một trường. Thí sinh chỉ được phép dự thi hai trường nếu khối thi nằm ở hai đợt thi khác nhau.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ thì có 3 đợt thi: Đợt 1 thi tuyển ĐH khối A,V; đợt hai thi tuyển ĐH khối B, C, D và các khối thi năng khiếu; đợt 3 thi CĐ ở tất cả các khối.
Như vậy nếu một trường có tổ chức thi cả hai khối A và D thì em hoàn toàn có thể làm hồ sơ để dự thi cả hai khối này vì nó nằm ở hai đợt thi khác nhau.
Em không thể cùng khối D dự thi vào hai trường ĐH khác nhau vì nó cùng nằm ở một đợt thi (đợt 2). Em chỉ thực hiện được điều này nếu dự thi một trường ĐH và một trường CĐ.