Khi trẻ em lên tiếng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 10/8/2011, tại diễn đàn Trẻ em toàn quốc, 184 trẻ em tham dự đã có cuộc đối thoại chính thức với lãnh đạo các bộ, ban, ngành… quanh những vấn đề nhức nhối liên quan đến trẻ em như tình trạng xâm hại tình dục, nạn bạo lực, bóc lột trẻ em, tai nạn thương thích…

Trẻ em lo lắng
 
Những vấn đề các em mang đến diễn đàn không mới, nhưng lại có tính tổng hợp cao và đó là những vấn đề bản thân các em hoặc bạn bè mình gặp phải, các em nên làm gì, ai có thể giúp đỡ các em? Những câu hỏi làm chính người lớn cũng phải suy nghĩ, bởi nó có ảnh hưởng và tác động trực tiếp cũng như lâu dài đến tương lai của trẻ.
 
Rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra hiện nay. Em Thảo My (TP. HCM) đã đưa ra câu hỏi với các ngành, các cấp đã có hướng giải quyết tình trạng này như thế nào?. Em Phạm Thị Nhung (Ninh Bình) phản ánh: “Còn nhiều trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm đến tính mạng. Điều em băn khoăn là các bộ, ngành có những hoạt động cụ thể nào để giải quyết tình trạng này, đồng thời cũng là để thực hiện cam kết quốc tế loại bỏ tình trạng bóc lột lao động trẻ em vào năm 2016?".
 
Cùng với đó, các vấn đề sân chơi cho trẻ em, chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại lớp học, học sinh phải bỏ học làm thêm kiếm sống, ứng xử trong môi trường sư phạm hiện nay… cũng được đưa ra. Những thông điệp "Đầu tư cho trẻ em hôm nay để phát triển bền vững trong tương lai", "Hãy xoá bỏ bạo hành và bọc lột trẻ em dưới mọi hình thức"… là tiếng nói của thế hệ tương lai về những vấn đề liên quan đến chính mình.
 
Người lớn trăn trở
 
Trước những vấn đề các em đưa ra, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành cũng thấy trăn trở. Về sân chơi cho trẻ em, đại diện Bộ VHTT&DL bày tỏ: Hiện cả nước đã có 58 cung, nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh, 223 cung, nhà văn hóa cấp huyện còn cấp xã, phường đã lên đến 8.451 điểm. Tuy nhiên, chất lượng các điểm vui chơi còn chênh lệch nhau nhiều, một số điểm chưa đủ tiêu chuẩn, đúng qui cách, đội ngũ cán bộ chuyên về vấn đề vui chơi cho trẻ còn hạn chế vì vui chơi cho trẻ em là vấn đề đặc thù.
 
Thứ trưởng Bộ LĐ&TBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, để loại bỏ vấn đề lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc nguy hiểm cần thực hiện lồng ghép nhiều biện pháp xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ gia đình vay vốn tạo việc làm… mới có thể tăng thu nhập, loại bỏ dứt điểm tình trạng này.
 

Mặt trái của tăng trưởng kinh tế là sự bùng nổ các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, xâm hại, buôn bán trẻ em, tệ nạn xã hội, bất bình đẳng thu nhập… và trẻ em là đối tượng chịu hệ luỵ rất lớn. Việc tổ chức diễn đàn trẻ em là hoạt động rất có ý nghĩa để các em có cơ hội chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như những suy nghĩ, mong muốn của bản thân.
 
Bà Lotta Sylwander Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam