Khi trường học mở dịch vụ du lịch

Chia sẻ Zalo

Chứng kiến cảnh du khách gặp nhiều vất vả, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang đã họp, quyết định tổ chức dịch vụ lưu trú, phục vụ khách du lịch.

Vượt qua ngại ngần ban đầu, những giáo viên của một trường học tại Hà Giang đã “dũng cảm” đưa ra quyết định cho khách du lịch nghỉ lại trong những phòng bán trú của trường. Số tiền thu được sẽ được nhà trường mua chăn ấm cho các em học sinh trong mùa đông này.
Khách du lịch và các em học sinh tại Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: VGP/Quang Tiến
Khách du lịch và các em học sinh tại Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: VGP/Quang Tiến
Mùa hoa tam giác mạnh năm 2015, hàng nghìn, hàng vạn du khách từ mọi miền đổ xô lên Đồng Văn, Hà Giang, tạo nên áp lực chưa từng có lên hạ tầng du lịch còn nhiều thiếu thốn nơi địa đầu Tổ quốc này.

Không tìm được chỗ ngủ, nhiều du khách đã phải trải bạt, ngủ dưới mái hiên các trường học, bệnh viện, thậm chí là ở chợ. Nhiều du khách đến với huyện Đồng Văn còn phải chịu cảnh xếp hàng dài trước các quán ăn để được lót dạ. Dù vất vả, nhưng phần lớn du khách đã cảm thông, chia sẻ với địa phương bởi đây là lần đầu tiên Hà Giang đón một lượng khách khổng lồ đến như vậy.

Chứng kiến cảnh du khách gặp nhiều vất vả, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang đã họp, quyết định tổ chức dịch vụ lưu trú, phục vụ khách du lịch.

Cô giáo Phạm Thị Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Ban đầu nhà trường cũng ngại, vì chức năng chính của mình là giáo dục. Nhưng sau được huyện động viên, Ban Giám hiệu đã quyết định khai thác buồng, giường của học sinh trong những ngày nghỉ, lấy chỗ phục vụ khách du lịch. Tiền thu được, nhà trường dùng để mua chăn ấm, phục vụ học sinh trong mùa đông sắp tới.

Hay tin Ban Giám hiệu triển khai dịch vụ lưu trú, nhiều giáo viên trong trường cũng hết sức bất ngờ. Bởi tiếng là trưng dụng buồng, phòng của học sinh, nhưng cả trường cũng không có phòng nào thực sự tốt bởi sang năm 2014, trường mới chuyển sang loại hình bán trú.

Tỉnh nghèo, huyện nghèo, hạ tầng bán trú chưa được đầu tư ngay nên học sinh vẫn phải kê giường sắt ngủ trong các phòng học. Giờ đưa giường tầng bằng sắt vào phục vụ du lịch, không biết du khách có nghĩ gì không.

Lo lắng, nhưng thầy và trò nơi đây cũng bắt tay vào lau dọn sạch sẽ giường, phòng, khuôn viên nhà trường và giặt giũ chăn màn để đón khách. Trường cũng huy động hai giáo viên khéo tay nấu ăn. Sau khi kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị, các thầy cô giáo đã lên mạng xã hội thông báo về dịch vụ này. Thông báo phát đi, ít hôm sau trường đã nhận được những cuộc điện thoại đặt chỗ đầu tiên.

Cô Tuyển kể tiếp, những hôm có khách du lịch ở lại, sân trường Lũng Cú như có hội. Dưới ánh sáng của đuốc, của trăng và sương lạnh biên viễn, du khách được thưởng thức các món đặc sản địa phương do các thầy cô nấu.

Đêm dài, khách còn được xem học sinh trong trường biểu diễn các điệu dân ca, dân vũ như múa Lô Lô, hát tìm bạn của các em người Mông. Trong ánh lửa hồng, khách và chủ mặc sức hàn huyên. Gió rừng, những mảnh đá tai mèo gặp trên đường đi cùng những câu chuyện về con người sống trên vùng đất biên giới khô cằn này đã giúp du khách hiểu hơn về vùng đất này.

Anh Trịnh Đức Giang, du khách đến từ TPHCM qua điện thoại đã chia sẻ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Khi nghe anh em quyết định ngủ trong ký túc xá, tui nổi hết gai ốc. Nhưng khi ở lại, tui thấy chăn màn, giường chiếu cũng thơm, sạch sẽ”, anh Giang chia sẻ.

Được du khách chia sẻ, thầy trò trường Lũng Cú như được động viên, tiếp thêm sức mạnh. Bao nhiêu năm gắn mình trên đá, bám từng bước đi của học sinh, các thầy cô giáo vùng cao dù già, trẻ đều phải làm những công việc không có trong giáo án. Đó là đến từng nhà vận động trẻ đến trường. Có những gia đình nghe thì hiểu ngay nhưng có những nhà ép thầy cô uống rượu xong mới cho con đi học.

Kéo được trò đến lớp, thầy, cô giáo nơi đây còn phải luôn tìm cách tạo hứng thú để trẻ không bỏ về. Thầy cô giáo dưới xuôi lên, hằng ngày lặng lẽ làm tất cả mọi việc có thể để chăm sóc các em, từ lo cái ăn cho gần 200 học sinh bán trú, hướng dẫn đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, vệ sinh không gian ở đến khuôn viên trường học.

Qua hoạt động tham gia “kinh doanh” du lịch, những thầy cô giáo nơi biên viễn này đang lặng lẽ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, sự cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, kỹ năng làm du lịch cho thế hệ tiếp theo của Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang, góp phần cùng Hà Giang xây dựng cao nguyên đá thực sự trở thành điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần