Khi VFF ghi bàn

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Hôm qua, VFF đã làm được cái điều mà giới chuyên môn đánh giá rất cần thiết đó là vận động hai đội bóng Nhật Bản là Hollyhock và Yokoham FC nhả bộ đôi Công Phượng, Tuấn Anh về tham gia ĐTQG.

Gọi là nhả vì những hoạt động sắp tới của đội tuyển quốc gia không nằm trong chương trình hoạt động của FIFA nên CLB có quyền giữ người. Cái khó là VFF phải dành thời gian và tiền bạc cho đội tuyển quốc gia tập huấn để chuẩn bị cho AFF Cup. Nếu không có được lực lượng tốt nhất, HLV Nguyễn Hữu Thắng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, phải kể đến việc, các cầu thủ dự bị quá lâu có thể đánh mất phong độ và sẽ gặp khó trong quá trình hòa nhập với tuyển quốc gia.
 Khi VFF ghi bàn
Đội bóng nước ngoài luôn lý tính trong cách hành xử của mình. Trong đó, họ đặc biệt chú trọng đến quyền lợi về chuyên môn cũng như hình ảnh. Trả cầu thủ về nước quá lâu thì quyền lợi về thương mại mất đi, trong khi đội bóng vẫn phải trả lương.
Thế nhưng, vì sự can thiệp của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản mà các đội bóng Nhật Bản đã quyết định nhả quân. Các nhà quản lý Nhật Bản muốn thể hiện cam kết hỗ trợ một cách toàn diện với đối tác chiến lược của mình là VFF nên đã hành động. Từ sự kiện này người ta mới thấy vai trò rất lớn của công tác đối ngoại trong một nền bóng đá vốn hội nhập sâu với các tổ chức nước ngoài.
Trong bàn thắng vàng được ghi ấy, người ta thấy bóng dáng của ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF, một người khá thân với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Kozo Tashima. Vấn đề ở chỗ, ông Trần Quốc Tuấn từng bị chỉ trích rất nhiều khi tham gia quá nhiều vai ở các sự kiện quốc tế. Người ta nói rằng, việc đi nước ngoài quá nhiều sẽ mất thời gian và làm ảnh hưởng đến công tác điều hành.
Thế nhưng, trong một thế giới phẳng, việc làm việc ở đâu không quan trọng bằng việc tạo ra những mối quan hệ có thể hỗ trợ sự phát triển của nền bóng đá. Rằng, tham gia một cách tích cực và có vị thế ở các tổ chức quốc tế chính là cách tốt nhất để bảo vệ hoặc tìm kiếm lợi ích cho nền bóng đá. Vậy mới nói, trong các cuộc tranh luận, thậm chí là chỉ trích thì sự đúng sai đôi khi không xuất phát từ bản chất mà do góc nhìn của chủ thể.