Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi vợ vắng nhà...

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải vắng hẳn, buổi tối chị vẫn trở về nhà nhưng thường muộn. Anh ở nhà tự chăm sóc bản thân và hai con nhỏ, điều anh không quen, trước đó chưa từng làm.

Hàng ngày chị đến bệnh viện làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, với công việc chủ yếu là thăm khám ban đầu cho những người chuẩn bị tiêm ngừa Covid, việc từ sáng đến chiều muộn mới về. Công việc hết sức căng thẳng vì phải nhanh chóng với công thức khá quen thuộc. Có lần chị hỏi những người phụ nữ lặp đi lặp lại câu: “Có thai không?”, mãi thành vô thức. Đến khi gặp một anh ngồi trước mặt, chị cũng định hỏi câu đó nhưng kìm lại được.
Bình thường, chị là người làm việc nhà. Anh là dân kinh doanh, giờ giấc không ổn định. Anh buổi sáng thường hẹn bạn trong công ty đi ăn sáng để tiện bàn công việc, sau đó mới đến công ty. Xong giờ làm, anh còn có thể hẹn gặp đối tác, hoặc bạn bè…
Khi vợ vắng nhà... - Ảnh 1
 Ảnh minh họa.
Chưa kể anh còn có những chuyến đi xa và đột xuất. Do vậy, chị là bác sĩ giờ giấc ổn định hơn nên thường phải lo thêm việc nhà dù công việc cũng nhiều căng thẳng và áp lực. Sau này, nhà chị có thêm người giúp việc đỡ đần nên chị cũng đỡ mệt. Tuy nhiên, việc dạy dỗ hai đứa con học hành chị không phó thác cho ai được.

 

Anh thực ra nếu rảnh rỗi cũng khó tham gia làm việc nhà vì bản tính anh là vậy. Hồi nhỏ, anh là con trai đầu lòng trong gia đình nên được mẹ chăm hết sức. Thậm chí, khi đã đi học đại học (gần nhà), mỗi sáng lên giảng đường, anh còn được mẹ chọn giày tất cho, có khi còn giúp anh mang giày. Đi học về, anh chỉ biết ăn uống rồi nghỉ ngơi, không phải làm việc gì cả. Cho đến khi anh chọn con đường lập nghiệp riêng, mở công ty riêng còn bị mẹ can ngăn. Mẹ anh nói, cứ làm ở công ty nhà nước, không việc gì phải bươn chải cho vất vả, việc tiền bạc để mẹ lo. Đúng vậy! Nhà của anh chị đang ở là do mẹ anh lo. Con chị học trường nào cũng do bà nội lo. Trước đó, chị mang thai khám ở dâu, sinh ở đâu…, mẹ chồng cũng lo luôn.

 

Chị cũng không băn khoăn gì chuyện gia đình chị được mẹ chồng bao bọc quá kỹ, chuyện anh vẫn được mẹ coi như con trẻ nhỏ. Hơn nữa, cuộc sống gia đình chị vẫn bình thường, trôi qua một cách êm đềm. Chị cũng không bao giờ đòi hỏi “bình đẳng”, bắt anh phải tham gia làm việc nhà.

 

Ngay từ khi mới gặp anh, chị đã cảm giác anh là con người nhàn nhã, vô lo. Tuy nhiên, chị quý anh ngoài việc anh thông minh, học giỏi là tính chân thành và nhân hậu.

 

Những ngày này, chị lo lắng không biết anh và hai đứa nhỏ xoay xở ra sao khi chị vắng nhà, trong khi người giúp việc về quê từ khi dịch bệnh mới rục rịch.

 

Rất ngạc nhiên là mội lần chị về nhà vẫn đầy đủ cơm canh nóng hổi. Chị hỏi anh: “Cơm canh ở dâu vậy?’. Anh chỉ vào đầu mình rồi cười cười. Hai đứa nhỏ nhanh nhảu mách: “Bố mua qua điện thoại đó mẹ. Họ mang đến ngay”. Thỉnh thoảng, mẹ chồng cũng mang cơm đến cho anh chị. Chị cũng để ý, anh dạo này tham gia làm việc nhà nhiều hơn. Anh rửa chén bát, lau nhà, giặt giũ quần áo, tưới cây…

 

Anh cười: “Mấy chuyện đó khó gì đâu. Anh nhìn em làm cả chục năm nay rồi nên học theo, làm đâu có khó khăn gì”.

 

Những ngày gần đây, dịch bệnh căng thẳng, không gọi thức ăn được, anh và hai đứa hì hục tự nấu ăn. Anh nấu mấy món đơn giản. Anh nói: Trên mạng bày tất cả thứ gì mình muốn, chỉ cần chịu khó học là được. Té ra, dù hồi nhỏ không học nấu ăn ngày nào nhưng anh có người mẹ nấu ăn rất ngon, anh xem mẹ nấu nên có nhớ được đôi phần. Hơn nữa, anh là người sáng dạ, chỉ nhìn mẹ nấu nướng đôi lần là nhớ. Chị nhiều lúc ăn thức ăn của anh nấu cũng phải tấm tắc khen ngon. Những ngày này, anh thay chị dạy con học hành. Hai đứa nhỏ khỏe: “Bố dạy dễ hiểu, không thua mẹ”.

 

Dịch bệnh càng căng thẳng, chị càng vất vả. Lúc này, anh chú ý hơn đến sức khỏe cho vợ, chăm sóc chị nhiều hơn. Anh pha sữa, vắt nước trái cây cho chị, nhắc chị uống thuốc bổ…

 

Nhiều hôm, chị về khuya, anh vẫn ngồi đọc sánh để đợi chị về, mở cửa đón chị rồi hỏi han tình hình xem có ổn không. Những lúc đó, chị thật cảm động. Hồi mới lấy anh, nhiều người nói chị lấy phải “công tử bột”. Chị cũng từng nghĩ thế. Nhưng phải chăng dịch bệnh đã thay đổi anh, từ người như khách quý trong nhà luôn được phục vụ chu đáo trở thành người đàn ông chu đáo, siêng năng trong công việc gia đình?