Khiếu kiện trong xét tặng Giải thưởng Nhà nước: Nên có điểm dừng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ VHTT&DL vừa công bố kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND, NSƯT đợt II năm 2011.

Mặc dù vậy, chuyện khiếu kiện trong giới văn nghệ sĩ vẫn không ngừng lại. Phải chăng, đã đến lúc cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ VHTT&DLnên có một động thái để những chuyện lùng bùng kia có điểm dừng.
 
Đua nhau khiếu kiện
 
Không chỉ lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc có khiếu kiện về kết quả xét tặng danh hiệu, giải thưởng đợt I, mà ngay sau khi Bộ VHTT&DL công bố kết quả xét tặng đợt II (23/7), một số nhạc sĩ và nghệ sĩ chèo lại lên tiếng.
 
Một số nhạc sĩ như Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Đoàn Bổng, Trương Tuyết Mai… cho rằng: Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở không minh bạch nên bỏ qua nhiều trường hợp xứng đáng. "Hội đồng cấp cơ sở làm việc không khách quan, không dựa trên tiêu chí giải thưởng để xem xét công tâm. Chúng tôi đòi hỏi phải có sự công bằng, đúng đắn và công khai dân chủ, không thể cứ có cảm tình riêng với ai thì cho người đó vào danh sách", nhạc sĩ Đinh Quang Hợp cho biết. Cho dù có tên trong danh sách xét duyệt của Hội đồng cấp Bộ, nhưng không ít nhạc sĩ vẫn làm đơn gửi Thanh tra Chính phủ, Hội đồng xét Giải thưởng cấp Nhà nước về cái sai của Hội đồng cấp cơ sở trong lĩnh vực âm nhạc.
 
Trong lĩnh vực sân khấu, tập thể các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam lại có đơn "lên tiếng" về việc 5 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của chèo đều… bị loại. Các nghệ sĩ cho rằng, thành phần tham gia Hội đồng xét duyệt hồ sơ không có lợi cho nghệ thuật chèo vì không có thành viên nào thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam có tới 4 nghệ sĩ được phong tặng NSND mà tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, thuộc thế hệ đàn em của những nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Bên lĩnh vực điện ảnh cũng vậy, mặc dù cuối cùng đạo diễn Nguyễn Thước và hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư, Thanh Tú đã đi đến quyết định không gửi tác phẩm đi xét duyệt, nhưng phía Hội đồng xét duyệt của Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn không dừng câu chuyện làm đúng luật của mình… Như vậy là gần 2 tháng nay, giải thưởng, danh hiệu trong lĩnh vực văn học nghệ thuật do Nhà nước phong tặng cứ nhùng nhằng những chuyện khiếu kiện. Có vẻ như đã thành lối mòn vì những câu chuyện thế này đã từng diễn ra trong bao mùa giải trước.
 
Cần giữ được sự danh giá vốn có
 
Tại sao có những chuyện lùng bùng ấy, theo GS, NSND Trần Bảng: "Trước đây hội diễn có tiêu chí nghệ thuật rõ ràng, sau này do việc xét tặng danh hiệu căn cứ vào huy chương nên… loạn, vì có trường hợp chạy huy chương. Nếu khen thưởng chỉ dựa vào huy chương thì không chính xác. Hội đồng (cấp Bộ) phải có người thường xuyên theo dõi diễn viên chứ thực tế Hội đồng có khi chỉ đọc hồ sơ, không nắm được tình hình thực. Cứ tính huy chương vàng, bạc mà nhiều khi không thực vàng, thực bạc. Cho nên, ngày xưa có kiện cáo đâu, bây giờ tại người ta thấy bất công quá". Thêm nữa, trong khi vấn đề xét duyệt của âm nhạc có quá nhiều ầm ĩ, thì 7 vị ngồi trong Hội đồng cấp Bộ lại chính là 5 người từng ngồi trong Hội đồng cấp cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam khixét duyệt.
 
Tính đến thời điểm này, ngoài công văn trả lời chính thức về trường hợp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm 3 tác phẩm "Sự nhọc nhằn của cát", "Những công dân @" và "Chất xám", Bộ VHTT&DL chưa có một sự giải thích nào cho những kiện tụng ầm ĩ gần đây. Vẫn biết, không có kết quả nào làm thỏa mãn được tất cả văn nghệ sĩ, và cũng không thiếu trường hợp "đi thi" không đỗ nên thắc mắc. Tuy nhiên, trước tình thế hiện nay, Bộ VHTT&DL cũng nên có thái độ rõ ràng để giải thưởng này giữ được sự danh giá vốn có của nó.