Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Kho báu” độc nhất vô nhị của người đàn ông mê tái chế

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi phát từ niềm đam mê sáng tạo, ông Đỗ Văn Chí tự mày mò, nghiên cứu và làm ra những sản phẩm độc đáo từ đồ phế thải.

Từ nhặt phế liệu làm xe đạp, đồ dùng…

“Tôi không phải kỹ sư cũng không phải giáo viên, chẳng có chuyên môn về máy móc hay nghệ thuật, chỉ là thích nên tìm kiếm, tự làm tự học” - ông Đỗ Văn Chí (58 tuổi, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) mở đầu câu chuyện về niềm đam mê của bản thân một cách mộc mạc như thế.

Ông Đỗ Văn Chí có đam mê sáng tạo, tái chế vật dụng từ phế thải.
Ông Đỗ Văn Chí có đam mê sáng tạo, tái chế vật dụng từ phế thải.

Người gốc xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), ông Đỗ Văn Chí là con út trong một gia đình có tận 11 anh em. Cha mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Chí nghỉ học từ sớm, bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Đến khi lập gia đình, ông cùng vợ về cư ngụ ở xã Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi).

“Ngoài lúc kiếm tiền để tiền trang trải cuộc sống, thời gian còn lại chủ yếu là tôi đi tới các vựa phế liệu. Xe đạp hư, loa cũ, bìa nhựa, đồ chơi con nít… người ta bán rẻ lắm, toàn đồ bỏ đi mà, thấy cái gì phù hợp với ý tưởng của mình thì mua về. Ở thành phố này, vựa phế liệu nào cũng quen mặt” - ông Chí nói.

Đam mê chế tạo vật dụng của ông Chí được hình thành từ thời trai trẻ, nhưng đến khoảng gần chục năm trở lại đây, ông mới dành nhiều thời gian để thực hiện. Các sản phẩm dần phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại.

Hiện tại, ông Chí sở hữu “kho báu” gồm hơn 20 chiếc xe đạp tái chế, mỗi chiếc là độc bản, do tự tay ông lựa chọn, lắp ráp, hàn từng bộ phận mà thành. Có chiếc xe đạp đôi ông hay đi dạo cùng vợ được tái chế từ 4 chiếc xe hư hỏng, có xe bằng gỗ, gắn 6 “động cơ”, có xe lại độ chế, 2 bánh sau nối tiếp nhau, mỗi bánh chỉ có một nửa lốp xe…

Xe đạp đôi được làm từ 4 chiếc xe đạp cũ bị hư hỏng, còi làm từ đồ chơi trẻ em và bóng cao su trong dụng cụ đo huyết áp.
Xe đạp đôi được làm từ 4 chiếc xe đạp cũ bị hư hỏng, còi làm từ đồ chơi trẻ em và bóng cao su trong dụng cụ đo huyết áp.

“Đa phần các xe tái chế đều thuộc mẫu xe cổ, thậm chí từ trăm năm trước. Đợt nọ thấy tiệm sửa xe treo cái sườn xe cong, thích quá mà họ bán tới 1 triệu đồng. Không có tiền mua nên đành về tay không. Sau 1 năm tích cóp, để dành đủ tiền thì quay lại, họ thấy tội bớt cho 200.000 đồng. Nó cũng là thứ mắc tiền hiếm hoi tôi mua, chứ chế tạo mấy thứ này, nếu không nhặt nhạnh mà dùng tiền là không theo nổi” - ông kể.

Rảnh rỗi, ông Chí lại mang xe ra đi dạo, tập thể dục… Mỗi ngày một chiếc kiểu dáng khác nhau. Đi xong về lại lau rửa sạch bóng, xếp ngay ngắn trong nhà.

"Kho báu" xe đạp tái chế của ông Chí.
"Kho báu" xe đạp tái chế của ông Chí.

Không chỉ mê xe đạp, ông Chí còn mê chế tạo vật dụng bằng gỗ. Những thanh gỗ vụn ở các xưởng được ông thu gom về, tự tay cắt giũa, tạo hình, lắp ghép, gắn động cơ.

Các chi tiết trong đồng hồ treo tường bằng gỗ đều do ông Chí tự làm, chuông được tận dụng từ xe đạp cũ.
Các chi tiết trong đồng hồ treo tường bằng gỗ đều do ông Chí tự làm, chuông được tận dụng từ xe đạp cũ.

“Làm tốn thời gian lắm, cứ phải mày mò từng chút một. Người ta làm có bản vẽ, có thiết kế, mình thì cứ hình dung trong đầu, làm sai lại làm lại. Chệch một tý thôi là động cơ không hoạt động được. Mất ăn, mất ngủ vì nó, làm thành công mới yên” - ông Chí trải lòng.

Chiếc đàn gỗ với nhiều chi tiết lắp ráp phức tạp.
Chiếc đàn gỗ với nhiều chi tiết lắp ráp phức tạp.

Sản phẩm từ gỗ của ông Chí làm ra khá đa dạng, từ đồng hồ treo tường, đàn, đến các đồ chơi phục vụ việc dạy học cho trẻ mầm non như: Cầu vượt, chuyển động thang máy, khủng long tự di chuyển, chim gõ kiến, cân thăng bằng, dụng cụ tập đếm, vòng quay gỗ… Đơn giản thì vài chi tiết, phức tạp lên đến hàng trăm chi tiết.

Các em nhỏ thích thú với đồ chơi do ông Chí làm nên.
Các em nhỏ thích thú với đồ chơi do ông Chí làm nên.

“Mấy đồ chơi này lồng ghép với việc dạy đếm, dạy chữ, phân biệt màu sắc, hình dáng đồ vật rất hiệu quả, tụi nhỏ rất thích. Vừa học vừa chơi, hư đâu mình sửa đó, chủ yếu là bỏ công ra làm chứ tiền chẳng đáng là bao” - ông Chí cười.

… đến rang gạo làm tranh

Không chỉ mê xe và đồ gỗ, ông Chí còn mê cả tranh làm từ gạo. “Vô tình một lần đi siêu thị, thấy nhiều loại gạo được bày bán nên nảy ra ý tưởng làm tranh. Mà làm cái này rất tốn công, lựa gạo phù hợp rồi rang từng nhúm nhỏ, màu càng sẫm rang càng lâu” - ông Chí nói say sưa.

Một số tranh gạo do ông Chí làm nên.
Một số tranh gạo do ông Chí làm nên.

Trên chiếc khung gỗ, ông Chí phủ lớp keo sữa, rồi tỉ mẩn đính từng hạt gạo, sắp xếp từng chi tiết thành con đò, cây cầu, bông hoa, chữ thư pháp... Tạo hình xong lại tiếp tục phủ thêm một lớp keo trên bề mặt. Tất cả bức tranh đều được làm từ gạo với màu chủ đạo là vàng, nâu, đỏ đậm, đen, trắng. Phương pháp rang gạo thủ công, không dùng phẩm màu.

Các chi tiết bằng gạo được đắp nổi.
Các chi tiết bằng gạo được đắp nổi.

“Rang gạo không chỉ tạo màu tự nhiên mà còn làm hạt gạo khô hoàn toàn, không còn hơi nước, khi làm tranh dù để lâu thì hạt gạo cũng không bị mốc, hư hỏng. Nhờ đó, mỗi bức tranh gạo có thể lưu giữ đến hơn 10 năm” -  ông Chí bật mí.

 

Thật lòng nhiều khi cũng thấy phiền vì ông ấy mê lắp ráp, chế tạo quá, không màng gì tới việc khác. Có điều hiểu tính cách nên chia sẻ và tạo điều kiện để chồng theo đuổi sở thích. Ông ấy làm ra không phải vì kinh tế, mà vì muốn làm đẹp cho đời từ những thứ đơn sơ, thậm chí là từ đồ phế thải” - bà Trần Thị Đạo (56 tuổi), vợ ông Chí cho hay.

Nhẩm tính khoảng 8 năm qua, ông Chí làm ra hàng chục bức tranh gạo lớn nhỏ. “Cái kỳ công nhất là bức tranh cầu Cổ Lũy, không nhớ là làm trong bao lâu nữa. Chỉ nhớ nó được làm từ lúc cầu khởi công, cầu xong thì tranh cũng hoàn thành. Bức tranh dài 2m, cao khoảng 1,2m. Các chữ thư pháp này tôi cũng có được học viết đâu, lấy viết chì tập và vẽ theo người ta, rồi đính gạo lên” - ông Chí nhớ lại.

Bức tranh cầu Cổ Lũy được làm từ gạo.
Bức tranh cầu Cổ Lũy được làm từ gạo.

Cũng giống như xe đạp và các vật dụng, máy móc làm từ gỗ, ông Chí không bán tranh gạo mà lại treo trong nhà, hài lòng với thành quả do mình tỉ mẩn, dành nhiều tâm sức làm nên.

“Tôi không bán, quý ai thì tặng bức tranh nhỏ làm kỷ niệm. Những sản phẩm làm ra là vô giá đối với bản thân, nó là niềm đam mê thuần túy mà tôi gắn bó, theo đuổi. Ai muốn học tôi đều chỉ tận tình, không giấu giếm, quan trọng là kiên trì. Quan trọng hơn, phải thật đam mê mới kiên trì nổi” -  ông Chí chia sẻ.