Số liệu của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho thấy, nếu năm 1995, nhập siêu từ Thái Lan chỉ là 339 triệu USD, thì năm 2008 tăng lên 3,62 tỷ USD, rồi vọt lên 5,16 tỷ USD năm 2016.
|
Hàng Thái Lan đang tràn ngập tại các siêu thị. Trong ảnh: Siêu thị MM Mega Market (Phạm Văn Đồng, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam và Thái Lan có cơ cấu mặt hàng giống nhau, song cùng một mặt hàng thì hàng Thái được đánh giá cao hơn.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác.
“Nhập siêu tăng mạnh do Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Thời gian qua, Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam”, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lý giải việc nhập siêu từ Thái ngày càng tăng.
Hơn nữa, các hoạt động xúc tiến thương mại hàng Thái tại Việt Nam cũng được tổ chức bài bản và liên tục. Hàng năm, có 12 - 20 hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan đứng ra tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lớn.
Đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Công thương cho rằng, trước mắt, khó chặn nhập siêu từ Thái Lan, bởi Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn với các mặt hàng của Thái Lan là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm tới 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan, như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, vải; giấy các loại; xơ, sợi dệt các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Chưa kể, các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Hàng Việt khó chen chân vào Thái LanTrong khi hàng Thái Lan ùn ùn đổ vào Việt Nam với đủ loại ngành hàng, thì ở chiều ngược lại, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sang Thái Lan vẫn chưa mấy khả quan.
Có mặt tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Central Group phối hợp với Bộ Công thương tổ chức vào trung tuần tháng 8/2017, trong số hơn 40 doanh nghiệp Việt, thương hiệu Mỹ Hảo chỉ dám kỳ vọng một ngày nào đó sẽ đưa được sản phẩm sang Thái Lan.
Ông Trần Văn Điệp - Giám đốc Phát triển thị trường (Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo) cho hay, Mỹ Hảo đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 10 quốc gia, nhưng Thái Lan thì chưa vào được, bởi ngành hóa mỹ phẩm Thái Lan phát triển rất mạnh.
Trong khi đó, ở mảng dệt may, Công ty cổ phần Dệt may Quang Phú (Ninh Thuận) cũng lần đầu tiên mang hàng sang tiếp thị tại Thái Lan.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Xuân Lâm, Trưởng nhóm Kinh doanh xuất nhập khẩu (Công ty Quang Phú) cho biết, lần đầu tiên tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, Công ty đã tiếp xúc 4 đối tác Thái Lan với những tín hiệu khả quan, song kết quả chưa thể có “ngay và luôn”.
“Ngành dệt, nhất là mảng khăn bông Thái Lan rất phát triển, chất lượng sản phẩm và giá thành sản xuất hợp lý, nên để vượt qua được hàng của họ là không thể. Tuy nhiên, Công ty sẽ cố gắng bước được vào thị trường này, với hy vọng chiếm phần nào thị phần của hàng Trung Quốc tại đây bằng việc làm hàng theo đúng thị hiếu người Thái và giá cả tiệm cận sức mua của người dân tại đây”.
Về việc hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần tìm cách khắc phục và giảm dần nhập siêu, đưa cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.
“Phải nhìn nhận một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ta có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này, nhưng xuất siêu ở mặt hàng khác để cân bằng cán cân thương mại”, ông Trần Tuấn Anh nói.