Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững, cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách. “Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh”, ông Thanh bày tỏ.

Cũng theo ông Thanh, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, số doanh nghiệp thành lập mới của chúng ta tương đối nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Trong đó doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhưng đóng góp cho ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Trong đó có lý do là đối tượng này được ưu đãi nhiều, trong khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn ưu đãi. Do đó cần có đánh giá kỹ thêm, trong đó cần tập trung ra sao đối với doanh nghiệp trong nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp này trong những tháng còn lại của năm 2017 và những năm tiếp theo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, sắp tới cần phát triển bền vững chứ không chạy theo GDP, bởi ổn định thì mới bền vững và phát triển được. Quan tâm thị trường trong nước chủ động thế nào khi chưa làm chủ thị trường trong nước.

“Từ vụ giải cứu dưa hấu, hành, heo rõ ràng cho thấy sản xuất trong nước bị động. Vì sao giá heo thấp nhưng giá trong siêu thị không thay đổi?, vậy hệ thống phân phối thế nào? tại sao nông dân bán giá 20 đồng/1kg, còn siêu thị là 100 đồng/kg. Đừng để dân sản xuất xong ta lại phải giải cứu. Đang là lúc tăng tốc phát triển thì môi trường càng bị thách thức cho nên cần tỉnh táo để xem xét”, ông Bình nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng: Chính phủ cần đánh giá lại một số vấn đề nổi lên gây bức xúc cho người dân gần đây. Chỉ nói mỗi việc giá thịt heo thôi, cũng thấy đấy là nỗi đau của chúng ta chứ! Trong khả năng của chúng ta hoàn toàn có thể dự báo, dự đoán, cảnh báo và đưa ra giải pháp tốt hơn. Việc giá thịt heo giảm chưa tính đến việc giảm GDP là bao nhiêu nhưng cái lớn hơn nữa là sự mất mát của người dân. Cái này mình phải nghiên cứu, khả năng tầm kiểm soát của chúng ta trong dự đoán và cảnh báo là hoàn toàn có thể làm được.