Gần 20 năm qua, gia đình ông Dương Văn Biền, thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn gắn bó với nghề chăn nuôi và giết mổ trâu, bò. Vào giai đoạn cực thịnh của nghề những năm 2000 - 2005, có những ngày gia đình ông giết mổ cả chục con trâu, bò, cung ứng cho thị trường. Đến nay, dù quy mô sản xuất đã giảm, nhưng mỗi ngày gia đình ông vẫn giết mổ trung bình 2 - 3 con.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Kim Sơn hiện vẫn còn khoảng 15 hộ chăn nuôi, giết mổ trâu, bò. Nghề này giúp mang lại thu nhập rất khá cho nhiều hộ dân, tuy nhiên, kéo theo đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nước thải chưa qua xử lý trong quá trình chăn nuôi, giết mổ trâu, bò được xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương, đường dẫn thoát nước trên địa bàn xã, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Theo khảo sát của phóng viên, những tuyến kênh tiêu, thoát nước trên địa bàn xã Kim Sơn, nhất là tại các thôn Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông đặc quánh chất thải. Ngày nắng, chất thải bốc mùi hôi thối, đứng xa vài ba mét vẫn cảm thấy rất khó chịu.
Trưởng thôn Linh Quy Bắc Dương Mạnh Huỳnh cho biết, thôn có khoảng 10 hộ giết mổ trâu bò với số lượng hàng chục con mỗi ngày. Hầu hết các hộ đều có hệ thống biogas, nhưng với quy mô nhỏ nên một lượng lớn chất thải từ giết mổ gia súc được xả thải trực tiếp ra hệ thống cống rãnh. Cũng theo ông Huỳnh, tình trạng xả thải trong vài năm trở lại đây có giảm, do nhiều hộ đã buộc phải bỏ nghề, mà nguyên nhân cũng bởi tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng quá lớn tới đời sống.
Thống kê cho thấy, toàn xã Kim Sơn hiện có tổng đàn lợn trên 2.500 con. Điều đáng nói, chăn nuôi lợn tại địa phương hiện vẫn rất nhỏ lẻ, manh mún và xen lẫn trong các khu dân cư. Chất thải chăn nuôi không qua xử lý cũng vô tư được xả thải vào hệ thống cống rãnh khiến tình trạng ô nhiễm thêm phần trầm trọng.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị liên quan tới bài toán môi trường trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Viết Thắng cho biết, hiện nay, việc quản lý giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được địa phương đặc biệt chú trọng. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều được yêu cầu lắp đặt hệ thống biogas. Theo nhận định của ông Thắng, tình trạng ô nhiễm chủ yếu có nguyên nhân từ quá trình sản xuất ồ ạt và có phần thiếu kiểm soát về mặt môi trường của những năm trước. Ông Thắng cho biết, địa phương đã quy hoạch diện tích 43ha để xây dựng khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tích cực hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi sản xuất và kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, sớm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.