Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó gỡ nút thắt vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù nút thắt tín dụng đã dần được tháo gỡ với việc mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã giảm 5 - 8% so với đầu năm, tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), gánh nặng vẫn chưa giảm khi thị trường đầu ra chưa được cải thiện, trong khi sức cạnh tranh về công nghệ hiện còn rất non yếu.

Chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đặc trưng của các DNNVV là vốn ít lại chủ yếu đi vay. Vì vậy, khi nền kinh tế gặp khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, khối DN này càng lao đao. Đến nay, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, song phần lớn các DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Thậm chí, hiện nay có ngân hàng áp dụng trần lãi suất cho vay bằng trần lãi suất huy động (như Vietcombank) nhưng xem ra việc giải ngân của các ngân hàng vẫn tăng chậm. Sở dĩ có tình trạng này do các DNNVV không còn tài sản thế chấp và đang nợ quá hạn các ngân hàng. Điều này cũng giải thích vì sao khó thực hiện được chủ trương của Chính phủ về "bảo lãnh" tín dụng đối với các DNNVV.

Để tháo gỡ một phần khó khăn cho DNNVV, Chính phủ đã gia hạn 6 tháng nộp thuế giá trị gia tăng; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước… Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% số DNNVV hoạt động bình thường, tức là có thu nhập. Vì vậy, việc áp dụng chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 sẽ không có nhiều tác dụng đối với 70% số DN còn lại đang làm ăn thua lỗ, ngừng sản xuất hoặc phá sản.

Hơn nữa, do hàng hóa và dịch vụ của DNNVV chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa, vốn đang bị thu hẹp nên đầu ra của DN càng gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Ông Lê Quang Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hà Thủy, chuyên cung ứng vật liệu xây dựng cho biết, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị các đối tác chiếm dụng vốn, trong khi khoản nợ ngân hàng lại không dám chây ỳ. "Chúng tôi phải huy động nhân viên hàng ngày đi đòi nợ thế nhưng vẫn không xong" - ông Tĩnh than thở.

Khó gỡ nút thắt vốn - Ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn lớn về vốn. Ảnh: Huy Hùng

Doanh nghiệp nhỏ cần gì?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn tổng thể, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho DNNVV chưa được triển khai đồng bộ và chưa đi vào cuộc sống. Một số chính sách chỉ phù hợp với các DN có quy mô lớn. Để cứu khối DN này, cần thiết phải có giải pháp, chính sách đặc biệt áp dụng riêng cho cộng đồng DNNVV, bảo đảm đủ nhu cầu vốn cho DN hoạt động. Bà Đinh Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách xử lý vấn đề nợ quá hạn của DNNVV. "Nếu chỉ dừng lại ở việc giảm lãi suất cho nợ quá hạn thì chưa đủ và chưa thể mở đường cho DN vay vốn. Nên chăng áp dụng chính sách "khoanh nợ", để DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng" - bà Phượng đặt vấn đề. Bên cạnh đó, ngân hàng nên có quy định mới về "tài sản thế chấp" vay vốn ngân hàng cho phù hợp với các DNNVV. Đây là điều kiện mở đường cho việc thực hiện "bảo lãnh tín dụng" đối với DNNVV.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Sự, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, vốn là nút thắt khó gỡ nhất đối với DNNVV, ngoài ra, thị trường cũng là vấn đề nan giải cần được Nhà nước hỗ trợ. Theo ông Sự, đại đa số các DNNVV sản xuất hàng tiêu dùng tại Hà Nội không thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Những DNNVV đang làm ăn chân chính cần phải có một thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, xử lý tận gốc các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ thị trường và DN trong nước.

Mặt khác, công nghệ - kỹ thuật của DNNVV cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: 50% sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% sử dụng công nghệ trung bình, chỉ 10% sử dụng công nghệ tiên tiến. Do đó, ưu tiên hỗ trợ DNNVV phát triển công nghệ - kỹ thuật là yêu cầu bức thiết mà Nhà nước cần sớm quan tâm giải quyết.