Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó “gọi” vốn vì… rào cản pháp lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không thể vay với mức lãi suất lên đến 20 - 25%, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tính đến việc huy động vốn qua phát hành cổ phần trái phiếu, thậm chí vay ngân hàng nước ngoài để trả nợ ngân hàng trong nước.

Thiệt đơn…

Theo Luật Đầu tư, DN có vốn đầu tư nước ngoài là DN Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Với qui định chung chung như vậy, chỉ cần bán một cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, DN Việt Nam đã bị coi là DN đầu tư nước ngoài và ngay lập tức bị hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết với WTO, bị giới hạn khi tham gia kinh doanh phân phối sản phẩm. Thực tế đã chứng kiến một DN dược phẩm Việt Nam (Mekophar) bị từ chối không được kinh doanh phân phối dược phẩm chỉ vì có cổ đông nước ngoài đã mua 4% cổ phần. Mekophar đã kêu cứu khắp nơi nhưng không tìm được giải pháp nên đã phải tính đến quyết định hủy niêm yết, loại bỏ cổ đông nước ngoài để có thể kinh doanh phân phối dược phẩm. Vẫn biết qui định về hạn chế ra nhập thị trường theo cam kết với WTO nhằm mục đích áp đặt hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ DN trong nước nhưng vô tình gây thiệt hại nặng nề cho DN Việt Nam.

Việc tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài kéo theo thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư phức tạp với thời gian chuẩn bị và xin phép phải mất từ 2 - 3 tháng. Điều đáng nói là phải xin Giấy chứng nhận đầu tư trong mọi trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cho dù chỉ bán 0,1% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị định 102/2010/N?-CP của Chính phủ ngày 1/10/2010 khẳng định, DN có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 49% cổ phần được áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước tức là DN Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá đây là một Nghị định hết sức tiến bộ và cần thiết, tuy nhiên qui định mới chỉ nằm trên giấy tờ và chưa đi vào thực tế. Vì nếu Nghị định 102 được áp dụng, một số DN thời gian qua đã không phải xin hủy niêm yết.

… thiệt kép!

Để đối phó với tình hình lãi suất cho vay cao ngất ngưởng, nhiều DN đã phải tính đến giải pháp đi vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay trong nước với lãi suất cao. Tuy nhiên, qui chế quản lý vốn vay nước ngoài yêu cầu mục đích của các khoản vay nước ngoài là để phục vụ dự án đầu tư đã được phê duyệt. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cho đăng ký khoản vay nước ngoài với mục đích để trả nợ trước hạn cho khoản vay trong nước vì mục đích trả nợ này không phải là để thực hiện dự án đầu tư. Theo ông Trần Anh Đức, thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh: Xét trong trường hợp này, DN đã mất một cơ hội cơ cấu lại khoản nợ vì rào cản pháp lý.

Việc vay vốn nước ngoài còn gặp khó khăn bởi qui định thế chấp lỗi thời của Luật Đất đai khi không cho bên cho vay nước ngoài được nhận thế chấp đối với quyền sử dụng đất và nhà xưởng. Qui định này xuất phát từ lo ngại Nhà nước sẽ mất quyền quản lý với đất đai. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát việc thế chấp thông qua cơ chế đăng ký thế chấp, yêu cầu việc thế chấp phải thông qua một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, hoặc yêu cầu khi xử lý tài sản bảo đảm thì phải chuyển nhượng bất động sản cho một pháp nhân hoặc công dân Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, việc DN linh hoạt tìm cách huy động vốn duy trì sản xuất kinh doanh là đáng mừng, đáng khích lệ. Nhưng để các phương án hợp tình, hợp lý của DN trở thành hiện thực, nên chăng các cơ quan nhà nước phải ưu tiên tháo gỡ các rào cản pháp lý kể trên giúp DN kịp thời huy động vốn, trụ vững qua thời khủng hoảng.