Khó khả thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/9, UBTV Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 41 và cho ý kiến về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (QĐHC).

Dự Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân...  Thảo luận về Dự án Luật, nhiều thành viên UBTV Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định cơ quan ban hành QĐHC phải lấy ý kiến của đối tượng thi hành trong trường hợp QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến. 	Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Nếu quy định như vậy, bao giờ quyết định được ban hành, nếu đối tượng không đồng thuận thì sao? Tương tự, đối với QĐHC liên quan đến lợi ích công cộng thì ngoài thủ tục chung, cơ quan ban hành QĐHC phải tham vấn ý kiến cộng đồng. Quy định này đã được nêu ở một số luật khác, và quy định khá cụ thể, rành mạch, có nhất thiết phải đưa vào luật này? Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu: Tham vấn ý kiến cộng đồng là cộng đồng nào? Phải khoanh lại việc lấy ý kiến ở cộng đồng bị ảnh hưởng, nếu mở rộng quá thì khó khả thi và dễ bị kiện ngược.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban cũng cho rằng quy định về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành hoặc cho người thứ ba trong Dự Luật không rõ ràng, phức tạp, khó áp dụng trong thực tiễn. Đề nghị cân nhắc lại quy định này. Số lượng ban hành QĐHC theo loại này rất lớn, trong khi Dự Luật chưa quy định cụ thể về thời gian giải quyết đối với loại quyết định này là bao lâu, để bảo đảm tiến độ giải quyết công việc, nhất là trong điều kiện bộ máy, biên chế hiện nay tại các cơ quan Nhà nước còn hạn chế. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực lại gây khó khăn hơn cho công tác ban hành QĐHC tại các cơ quan, địa phương.

Thừa nhận rằng những vướng mắc, bất cập trong pháp luật về ban hành QĐHC đã dẫn đến hạn chế trong thực tiễn quản lý Nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Cán bộ, công chức lúng túng; thẩm phán hành chính thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ để xem xét một QĐHC hợp pháp hay không hợp pháp... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: Lâu nay Bộ Tư pháp ra rất nhiều văn bản pháp luật sai, gây bức xúc trong Quốc hội và xã hội. Bây giờ phải áp dụng quy định, cứ việc theo trách nhiệm, thẩm quyền của mình để ban hành QĐHC, đồng thời phải gửi tới cơ quan tư pháp thẩm tra theo đúng thẩm quyền, chứ không phải xin ý kiến không. Sau đó, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp thẩm tra thì ra quyết định xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần