UBND tỉnh chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định: Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách hỗ trợ nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian theo quy định; sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học sẽ buộc phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Căn cứ Điều 9, Nghị định 116, UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát và ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và phí sinh hoạt với sinh viên vi phạm cam kết. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sinh viên hoặc gia đình (bố/mẹ đẻ, chồng/vợ) phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn là 4 năm kể từ khi sinh viên nhận được thông báo. Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do ngân hàng quy định.
Chưa có chế tài xử lý
Vấn đề thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm, nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra tình huống: “Sinh viên được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng trong quá trình tuyển dụng, sinh viên đó không trúng tuyển hoặc có tình huống sinh viên do tỉnh này hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng đi thi tuyển dụng và làm việc ở các tỉnh thành khác thì có phải nộp lại kinh phí đó hay không?”.
Dẫn chứng về thực tế xảy ra tại địa phương, ông Huyên cho biết: “Nghị định 116 giao UBND tỉnh có trách nhiệm thu hồi kinh phí đào tạo nhưng hiện nay, chúng tôi đang vướng đối với đối tượng sinh viên cử tuyển. Lạng Sơn hiện còn hơn 10 sinh viên cử tuyển vi phạm. Tỉnh đã giao cho các sở chuyên môn đôn đốc thu hồi nhưng sau 5 lần thông báo vẫn chưa thu hồi được. Việc này rất khó khăn bởi không có chế tài để xử lý. Việc thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm này cũng vướng tương tự khi không có chế tài xử lý”.
Trả lời vấn đề trên, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD&ĐT) cho hay, mục tiêu của Nghị định 116 hướng đến là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế các địa phương chứ không phải để thu hồi kinh phí. Do đó, nếu sinh viên sư phạm làm trong ngành giáo dục bất cứ ở đâu trên cả nước, công lập hay ngoài công lập, hoặc có xác nhận công tác trong ngành giáo dục đều không phải bồi hoàn. Chỉ với những trường hợp vi phạm cam kết, cố tình không bồi hoàn thì áp dụng chế tài dân sự. Nếu 3 lần thông báo mà không nộp lại thì có thể dùng các giải pháp theo quy định của Luật Dân sự để xử lý.
“Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu giáo viên theo Nghị định 116 khá mới mẻ. Mặc dù nghị định đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua thời gian rất dài với góc nhìn và sự đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan nhưng đây là vấn đề lớn với cả địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên, người học và chắc chắn trong quá trình triển khai nghị định sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào tổng thể, cân đối theo cái chung nhất để triển khai; cố gắng khắc phục tồn tại, giải quyết từng bài toán, từng quy trình để sau một thời gian, việc thực hiện nghị định sẽ đi vào ổn định”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. |