Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó thu hút du khách VIP với tour du lịch giá rẻ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Trước dịch Covid-19, khi Việt Nam đón số khách quốc tế kỷ lục là 18 triệu lượt vào năm 2019, khái niệm du lịch giá rẻ, tour "0 đồng" đã được giới làm du lịch đưa ra bàn thảo khá nhiều.

Sau dịch Covid-19, mối lo ngại về tour du lịch “0 đồng”, giá rẻ làm giảm chất lượng sản phẩm khiến không ít doanh nghiệp lo lắng.

Lợi bất cập hại

Tại nhiều hội thảo bàn về kích cầu du lịch thời gian qua, vấn đề kiểm soát du lịch giá rẻ được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập đến.

Đánh giá về tour du lịch giá rẻ và tour ''0 đồng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, khái niệm “0 đồng”, “giá rẻ” cần được nhìn nhận ở nhiều góc cạnh.

Cách gọi tour “0 đồng” chỉ là quảng cáo cho loại hình du lịch rẻ hơn so với những tour thông thường. Thực chất, tour du lịch giá rẻ là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên khách du lịch được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống...

Du khách tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, tour giá rẻ ở những thời điểm nhất định có tác động lớn để kích cầu du lịch. Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã phát động nhiều chiến dịch kích cầu với nhiều sản phẩm giá rẻ dựa trên sự chia sẻ, liên minh của các đơn vị hàng không, lữ hành, điểm đến để kích thích người dân du lịch trở lại.

Tuy nhiên một trong những biến tướng của tour giá rẻ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch là tour ''0 đồng” diễn ra nhiều hình thức. Cụ thể gom khách thành đoàn lớn, dưới hình thức “bán buôn” để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, cắt giảm dịch vụ ăn ngủ, cho khách đi ngắn ngày...

Để để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách, doanh nghiệp bán tour ''0 đồng'' “ép khách” mua sắm, sử dụng dịch vụ ngoài chương trình tour.

Khách du lịch tham gia tour ''Về kinh đô Việt cổ" tham quan di tích lịch sử Cổ Loa. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham gia tour ''Về kinh đô Việt cổ" tham quan di tích lịch sử Cổ Loa. Ảnh: Hoài Nam

Nói về những ảnh hưởng của tour ''0 đồng'' đến hình ảnh du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng phân tích, mặt tiêu cực của tour ''0 đồng” là khi các doanh nghiệp lợi dụng hình thức du lịch này để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

“Bất cứ quốc gia nào sử dụng biện pháp tour du lịch 0 đồng để thu hút khách du lịch đều có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quốc gia” - ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, một số loại hình du lịch giá rẻ chất lượng thấp từng giúp cho nhiều địa phương thu hút được số đông khách du lịch bình dân, nhưng lại gặp bất lợi nếu muốn thu hút dòng khách cao cấp. Đồng thời sẽ rất khó để phát triển mạnh mẽ một số loại hình du lịch có nhiều tiềm năng như du lịch golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, du lịch văn hoá).

Kiểm soát tour giá rẻ bằng cách nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương cần có những chính sách quản lý các loại hình dịch vụ giá rẻ, tour ''0 đồng'', qua đó bảo đảm được môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, cạnh tranh công bằng.

Người tiêu dùng tìm mua tour giảm giá tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tìm mua tour giảm giá tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023. Ảnh: Hoài Nam

Theo các chuyên gia, thực ra các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được những mặt tiêu cực của tour ''0 đồng''.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho biết, để khắc phục những ảnh hưởng xấu của tour ''0 đồng'', tour giá rẻ đến ngành du lịch trước tiên vấn đề truyền thông cần được đặt lên hàng đầu. Cụ thể du khách cần hiểu rằng khi bước chân ra khỏi nhà đi du lịch thì không thể có chuyện không mất chi phí để tránh bị lừa đảo, bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, các bên liên quan như ngành công thương, địa phương cần thông tin cho du khách về những điểm bán hàng đúng chất lượng, giá cả…tại các điểm du lịch. Ngoài ra cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định cụ thể hạn chế hoạt động của các tour giá rẻ, thậm chí cấm hẳn những tour ''0 đồng'', đồng thời cũng cần những chế tài xử phạt thật nặng đối với đơn vị, cá nhân vi phạm. 

Du khách tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Để kiểm soát được loại hình tour giá rẻ, tour ''0 đồng” này, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã áp dụng rất nhiều biện pháp, thanh tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh du lịch giá rẻ.

“Tổng cục Du lịch không chỉ xử phạt mà còn áp dụng hình thức cao nhất là rút giấy phép đối với một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành” - ông Nguyễn Quý Phương nêu ví dụ.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, đồng thời phát hiện, tham mưu, đề xuất các giải pháp cho Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên để xử lý triệt để cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành như công thương, thuế, ngân hàng, công an... tại địa phương để xử lý nghiêm đơn vị sai phạm.

Người tiêu dùng tìm mua tour giảm giá tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tìm mua tour giảm giá tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023. Ảnh: Hoài Nam

Như vậy để xử lý, ngăn chặn mặt tiêu cực của tour giá rẻ cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Cụ thể tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép đối với các doanh nghiệp có vi phạm luật kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách. Đồng thời tích cực tuyên truyền thông tin điểm đến cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng, rà soát các hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh du lịch giá rẻ nói riêng.

Ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia cho thấy, mặc dù tâm lý của phần lớn du khách vẫn là thích đi du lịch với nhiều ưu đãi nhưng không đảm bảo chất lượng tour thì nhiều khả năng họ sẽ “một đi không trở lại”, ngành du lịch khó có thể đạt được chỉ tiêu thu hút khách.