Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại rác tại nguồn

Khó trong đồng bộ hạ tầng, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thời hạn bắt buộc phân loại rác tại nguồn chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc triển khai.

Câu hỏi lớn đặt ra: Liệu mục tiêu này có đạt được kết quả mong muốn hay sẽ trở thành thách thức lớn?

Triển khai nhưng chưa đạt kết quả

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 45/2022/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người dân và DN tại Việt Nam bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn. Quy định này đặt ra yêu cầu cụ thể về phân loại rác thành ba nhóm: chất thải hữu cơ, chất thải tái chế, và chất thải khác. Đây được xem là một bước tiến trong "cuộc chiến" chống ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai đến nay cho thấy, nhiều nơi vẫn đang gặp khó khăn trong việc đồng bộ hạ tầng và thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân. 

Phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều vướng mắc dù thời gian thực hiện đã cận kề. Ảnh: Trọng Nghị
Phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều vướng mắc dù thời gian thực hiện đã cận kề. Ảnh: Trọng Nghị

Thực tế, mô hình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm ở các TP lớn từ 10 - 20 năm trước nhưng đều không đạt kết quả như mong muốn. Ví dụ, Hà Nội năm 2009, TP Hồ Chí Minh năm 1999, Đà Nẵng năm 2017. Ngoài các TP lớn, nhiều tỉnh cũng thí điểm phân loại rác ở quy mô phường, xã, nhưng không thể duy trì như Hưng Yên giai đoạn 2012 - 2014, Bắc Ninh năm 2014, Lào Cai năm 2016, Bình Dương năm 2017 - 2018, Đồng Nai năm 2016 - 2018, Hà Tĩnh năm 2019.

Theo ông Nguyễn Thành Lam - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta gặp  không ít khó khăn, hạn chế như chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi, thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển chưa đáp ứng quy định.... Chính những nguyên nhân này làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ý thức và thói quen của người dân cũng là một rào cản lớn.

Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, phân loại rác tại nguồn là một chuỗi các hoạt động đồng nhất và liên quan chặt chẽ với nhau, từ khâu thu gom, phân loại, vận chuyển đến xử lý. Do đó, nếu nghĩ chỉ cần phân loại thành các loại rác khác nhau là đã có thể thực hiện được phân loại rác tại nguồn là chưa đúng. Sau khi phân loại, còn rất nhiều việc phải làm như thu gom rác như thế nào, vận chuyển rác ra sao, xử lý rác như thế nào… Không những thế, phân loại rác tại nguồn còn là câu chuyện liên quan đến nhiều đối tượng, từ người dân đến các đơn vị quản lý, công ích. Ngoài ra còn cả câu chuyện về hạ tầng, công nghệ xử lý rác sau phân loại. “Phân loại rác tại nguồn là việc làm khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành” – TS Hoàng Dương Dùng nhận định.

Đâu là chìa khóa để thành công?

Mặc dù hầu hết các địa phương đã bắt tay vào thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, nhưng để đánh giá hiệu quả trên quy mô toàn quốc còn chưa rõ ràng. Các chuyên gia nhận định, nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường tuyên truyền để thay đổi thói quen của người dân, thì mục tiêu phân loại rác bắt buộc từ năm 2025 sẽ rất khó đạt được. Hầu hết các chuyên gia chia sẻ rằng, thành công của phân loại rác tại nguồn không chỉ phụ thuộc vào ý thức người dân mà còn cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, trong việc ban hành các chính sách rõ ràng và cung cấp đầy đủ các phương tiện phục vụ công tác phân loại​. Do đó, để đảm bảo tiến độ và chất lượng phân loại rác tại nguồn đúng theo thời gian quy định, cần có những biện pháp cấp bách.

Trước tiên, việc ban hành các hướng dẫn cụ thể về quy trình phân loại rác là cần thiết. Các địa phương cần được cung cấp hướng dẫn chi tiết về định mức, chi phí và quy trình thu gom, xử lý từng loại rác, giúp họ có cơ sở để triển khai đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác cần được ưu tiên. Các TP lớn cần trang bị đầy đủ các trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển riêng cho từng loại rác, và các nhà máy xử lý tái chế chất thải hữu cơ và rác thải nhựa để đảm bảo quy trình từ thu gom đến xử lý diễn ra hiệu quả.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhấn mạnh, để hiện thực hóa chủ trương phân loại rác tại nguồn, cần có những chính sách, ưu đãi về nguồn vốn với các dự án về môi trường. Cần tạo điều kiện hơn nữa để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải thành điện năng hay tái chế rác thành các vật liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể thực hiện thành công các dự án, nhà máy xử lý, tái chế rác, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường.

Một biện pháp không kém phần quan trọng nữa là công tác tuyên truyền. Theo các chuyên gia môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức và thói quen phân loại rác của người dân chính là giải pháp quan trọng nhất quyết định sự thành – bại của phân loại rác tại nguồn. Để tạo thói quen, chính quyền cần tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng, cung cấp kiến thức về cách phân loại rác và lợi ích của việc làm này.

Ngoài ra, cần có sự hợp tác của các DN và tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ kinh phí, cung cấp các công nghệ và phương pháp xử lý rác hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể tài trợ cho các chương trình phân loại rác hoặc hợp tác với chính quyền để phát triển các nhà máy tái chế chất thải. Chính quyền cũng có thể đưa ra các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này, giúp giảm tải cho hệ thống xử lý rác công cộng.

 

Phân loại rác tại nguồn là chính sách thể hiện quyết tâm của cả chúng ta trong việc quản lý rác, coi rác là tài nguyên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời khẳng định, nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác thải tạo ra kinh tế. Đây chính là biểu hiện của xã hội văn minh, con người bảo vệ môi trường nhưng đồng thời vẫn phát triển kinh tế.  

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng