Dù đã báo lãi và nộp thuế nhưng đại diện CocaCola vẫn khẳng định, DN này không chuyển giá và sẵn sàng hợp tác điều tra. Có vẻ như việc điều tra DN FDI chuyển giá quá khó với cơ quan quản lý, thưa ông?
- Đúng là việc chứng minh các DN đa quốc gia có chuyển giá hay không là rất khó. Khó ở chỗ, chưa có cơ sở để khẳng định các chi phí mà DN kê khai là hợp lý hay không. Ví dụ, chi phí lương cho chuyên gia nước ngoài, DN có thể kê cao hoặc thấp vì mỗi nước có một mặt bằng lương khác nhau, mỗi DN lại có một chính sách lương khác nhau. DN đã tận dụng các quy định hợp pháp của quốc gia nơi nhà đầu tư hoạt động để tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế với nước sở tại. Bên cạnh đó, các nguyên liệu đầu vào thường được DN FDI nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu độc quyền từ công ty mẹ không ở lãnh thổ Việt Nam. Việc xác định chi phí hợp lý ngoài lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn không dễ.
Vậy, theo ông, làm sao để cơ quan quản lý Nhà nước ngăn chặn những hành vi không phạm luật nhưng lại làm thất thu ngân sách này?
- Chính sách quản lý thuế của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ gốc. Ví dụ, có quá nhiều chi phí ngoài thuế, thuế có thể thấp nhưng các chi phí ngoài này rất khó để bóc tách. Theo kết quả khảo sát của VCCI, 32% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này. Nghĩa là các "chi phí không chính thức" vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây là một trong những lý do khiến DN phải chuyển giá ra ngoài.
Thời gian gần đây, có nhiều DN Việt Nam đã thành lập và đóng trụ sở tại Singapore. Ngoài chiến lược kinh doanh của DN, thuế có thể là một nguyên nhân khiến những DN này không đóng trụ sở ở Việt Nam. Tại một số nước, chính sách thuế của họ khuyến khích DN phát triển, có những khoản thuế có thể cao hơn Việt Nam nhưng rõ ràng và minh bạch hơn. Vì thế, chúng ta phải có chính sách hợp lý, để khuyến khích DN không trốn, không lách thuế được.
Ngoài khuyến khích, Việt Nam cần phải làm gì để phát hiện và chứng minh hành vi chuyển giá của DN FDI?
- Như tôi đã nói, điều tra chuyển giá rất khó nhưng không phải không làm được. Để chống chuyển giá, tôi đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, cần sửa đổi luật lệ theo hướng đơn giản hóa, hợp lý và minh bạch các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, khuyến khích DN chấp hành pháp luật. Thứ hai, cần có các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến xác định chi phí đầu vào, đầu ra của DN và cơ chế, chính sách chặt chẽ để xử lý kịp thời khi sự việc xảy ra. Không có lý do gì mua nguyên vật liệu tại cùng một thị trường nhưng chi phí thuế của 2 DN lại khác nhau. Nếu không có quy định rõ ràng, DN có thể lấy lý do chi phí cao để tối thiểu nghĩa vụ thuế. Đối với những DN xuyên quốc gia như CocaCola, phải có sự hợp tác với quốc tế, khi đó việc điều tra mới hiệu quả và nhanh chóng hơn. Thứ ba, tạo môi trường khuyến khích cạnh tranh, để các DN tranh đấu với nhau - nếu DN này chuyển giá, DN kia sẽ phải phát hiện và báo cáo để cạnh tranh công bằng hơn.
Xin cảm ơn ông!