Khổ vì quà vặt!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều thứ mà các cụ ở quê thường “soi” các cô gái, đó là ăn quà vặt. Mà “soi” ở đây, chả nói ai cũng hiểu là… ngầm ghét.

Của đáng tội, từ cổ chí kim, quà quê chẳng được mấy thức cao sang; quanh đi quẩn lại, có chăng cũng chỉ bát bún riêu, đĩa bánh cuốn, cái kẹo bột hoặc giả là tấm bánh đa vừng… Nhưng như đã nói, ghét là ghét, mặc kệ các thức quà kia rẻ hay đắt, sang hay hèn!

Tưởng chỉ xưa mới vậy; nhưng ngay đầu của thế kỷ XXI, ở không ít vùng ngoại thành, ăn quà vặt vẫn là “thói” mà các bậc phụ huynh thường xét nét với các nàng dâu tương lai. Vì thường khi đã “rấm” cô gái nào đó trong làng, ngoài xã cho con - cháu trai mình, các bà, các cô thường hay dò la hàng xóm láng giềng (của cô gái đó), rằng “con bé đó có hay ăn quà vặt không”…

So với thời xưa, nay nông thôn ngoại thành dẫu văn minh hơn nhiều, nhưng quà quê gần như vẫn mấy thức cũ. Có “văn minh” hơn, cũng loanh quanh ở cốc trà sữa, cái bánh mỳ, chai nước mía… Nếu so với phố thị, thứ kể trên chả đáng “tuổi” gì; nhưng thói “soi” sự ăn quà vặt ở các cô gái của những bậc phụ huynh vẫn chưa mấy thay đổi.

Tuy nhiên, do không gian, thời gian, thời thế thay đổi, nên cái sự “soi” kia đã… giảm hiệu lực, tần suất đi nhiều lần so với xưa. Nói vậy nhưng không phải là đã mất hẳn, nếu có điều kiện, các bậc cô dì, thím bác vẫn… vươn camera, “chĩa” vào các nàng dâu.

Tuy mới non “ba chục cái xuân xanh”, nhưng do lấy chồng sớm, Thúy đã 3 mặt con. Chồng đi làm ăn xa, ở nhà Thúy vừa đảm nhận vai trò làm mẹ, vừa thay chồng nuôi dạy con cái.

Ở vùng “quê một cục” này, rất ít khi người ta có thời gian gặp gỡ, giao lưu; vậy nên lễ, Tết là dịp để đám trai gái cùng lứa trong làng hay tổ chức liên hoan, lúc thì mặn, khi thì ngọt. Rôm rả lắm. Tất nhiên, trong những cuộc vui ấy, không mấy khi Thúy vắng mặt. Bởi tuy là đơn thân nuôi con, nhưng vừa có thời gian, tiền bạc đôi khi cũng rủng rỉnh, bởi nói như cách người quê - chồng thị là người kiếm được và Thúy được tiếng là sướng so với đám cùng trang lứa!

Của đáng tội, sự ăn uống kể trên vui là chính, bởi đa phần những buổi liên hoan đều được các thành viên “dưa góp” một cách công bằng. Nhưng khi tần suất các cuộc vui ngày một dày, thì bà Khả - mẹ chồng cô bắt đầu để ý và “tiếng chì, tiếng bấc” bắt đầu loan ra. Đầu tiên chỉ là những lời bóng gió, dần dà Thúy bị mẹ chồng “quy” tội thiếu trách nhiệm với con cái; sau đấy là hoang phí, rồi lạm dụng tín nhiệm… chiếm đoạt tiền của chồng! Khi “tội” ngày càng “dày”, thì thông tin không còn dừng ở lũy tre làng, nó lan đến tai chồng Thúy đang nơi đất khách. “Viện trợ” tuy không bị cắt, nhưng tiền ăn uống, sinh hoạt của 4 mẹ con nhà Thúy, “bị” đức lang quân chuyển hẳn về cho bà nội 3 đứa trẻ.

Từ đấy người ta thấy cô Thúy bớt hẳn tụ tập, những bữa lẩu, cuộc trà sữa, bánh mỳ dần thưa nhặt. Được thể, bà Khả lại càng “siết” chặt chi tiêu, dẫn đến bữa ăn của 4 mẹ con nhà Thúy có phần kham khổ. Biết tin, chồng Thúy định “thay đổi biện pháp bổ sung tài chính”, nhưng bà Khả kiên quyết không. Bởi chưng, cũng do cái sự ham vui, ham ba thứ quà vặt mà từ sướng, Thúy đâm khổ… Và cũng từ đó, mỗi lúc vui chuyện với mấy bạn trong làng, bà Khả luôn “vỗ ngực” khoe: Đấy các vị xem, ngay từ khi chúng nó mới yêu nhau, tôi đã biết cái Thúy là đứa ham ăn quà. Đến khi về làm dâu, quả tình như vậy. Mấy năm rồi, nó “phá” của chồng nó cơ man là tiền. Cũng may tôi phát hiện và “phanh” sớm, không thì có mà… sạt nghiệp!

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần