Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó xóa được USD chợ đen

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau những biện pháp mạnh mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng đối với các giao dịch USD trên thị trường tự do, tưởng chừng thị trường này đã "đóng băng", thế nhưng, bên dưới lớp băng này, những cơn "sóng ngầm" vẫn âm ỉ.

KTĐT - Sau những biện pháp mạnh mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng đối với các giao dịch USD trên thị trường tự do, tưởng chừng thị trường này đã "đóng băng", thế nhưng, bên dưới lớp băng này, những cơn "sóng ngầm" vẫn âm ỉ.

Theo các chuyên gia, nếu không có lộ trình rõ ràng thì khó có thể xóa được một thị trường chợ đen vốn đã âm thầm tồn tại từ lâu nay.


Giám sát còn yếu


Trên thực tế, hầu hết các tiệm chỉ tạm nghỉ giao dịch với những khách hàng nhỏ, lẻ, mọi giao dịch ngoại tệ ở thị trường phi chính thức đều dưới hình thức "trực tiếp, trao tay".


Chị Nguyễn Thu Hà, chủ một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết: "Muốn đổi ngoại tệ bây giờ, tốt nhất là nêntìm người quen giới thiệu hoặc quy tụ nhiều người lại mua nhiều, bán nhiềuthì các điểm mới chịu giao dịch". Thực tế hiện nay, tại nhiều điểm thu đổi ngoại tệ, chủ cửa hàng một mặt xua tay với khách nhưng mặt khác lại yêu cầu khách để lại số điện thoại.


Nhận định về tình hình USD trên thị trường tự do hiện nay, một quan chức của NHNN khẳng định: Đợt kiểm tra vừa rồi là NHNN làm theo Pháp lệnh ngoại hối trong đó có hình thức mới là tịch thu tài sản nếu vi phạm. Dẫu vậy, đó cũng mới chỉ là kỳ vọng của những nhà quản lý.


Còn nhiều việc phải làm


Đây không phải là lần đầu thị trường USD chợ đen không chịu nằm yên mà len lỏi từ chỗ này sang chỗ khác một cách khá tinh vi. Vào những năm 2007, 2009 đã có thời điểm khi giá USD biến động khó lường, NHNN cũng tiến hành kiểm soát gắt gao, ra lệnh cấm giao dịch nhưng mọi chuyện vẫn đâu hoàn đấy. Nguyên nhân rất đơn giản: Mua USD trong NH thì trầy trật, nên người mua đành phải mua bên ngoài, chấp nhận giá cao một chút.


Thống kê của NHNN, hiện số lượng USD trong dân nắm giữ ở mức khoảng 20 tỷ USD. Con số này nếu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD và tổng ngoại hối dự trữ của NHNN, là quá lớn. Nếu chênh lệch giá thị trường tự do và chính thức được thu hẹp thì người ta chọn bán và mua theo tỉ giá ấn định tại thị trường chính thức. Khi thị trường chính thức hoạt động tốt, chính sách tỷ giá phù hợp thì sẽ giảm bớt thị trường chợ đen.


Bàn về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm, nếu không có lộ trình rõ ràng thì khó có thể xóa được một thị trường chợ đen vốn đã âm thầm tồn tại từ lâu nay. Hiện nay, các đại lý thu đổi ngoại tệ đều hoạt động bằng giấy phép của NHNN cấp, nếu muốn xóa bỏ hoàn toàn đại lý chợ đen thì trước hết NHNN phải sửa Pháp lệnh.


Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, cần có biện pháp mạnh, nhất quán đồng bộ trong việc thực thi. Chẳng hạn, nếu đã quy định cấm niêm yết hàng hóa bằng USD thì những DN vi phạm phải bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, trong dài hạn để thực sự ổn định tỷ giá thì điều căn bản nhất vẫn là kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng nội tệ.

 

 

“Phải dùng ngoại tệ dự trữ nếu cần thiết, thậm chí làm cho giá USD thị trường tự do tụt xuống sâu hơn so với giá Nhà nước, giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ. Muốn làm được thì cần hạn chế cho vay, tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ”.

Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

“Khắc phục tình trạng USD hóa không chỉ là dẹp bỏ các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép, kiểm soát chặt, liên tục. Các biện pháp vi mô chỉ có những tác động nhất thời, các biện pháp vĩ mô vẫn là nền tảng cơ bản. Chính sách tài khóa, tiền tệ kiên quyết, nhất quán sẽ khiến lòng tin của người dân về sự ổn định của thị trường được nâng cao, khi đó mặc nhiên sẽ thu hẹp được thị trường chợ đen”. TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ.