Ngày 18/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng 30 năm hình thành và phát triển”.
Ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng, cho biết: 30 năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, Sở KH&CN Sóc Trăng từng bước củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND tỉnh trong các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, từ năm 1993 - 2023, tỉnh đã thực hiện 11 đề tài, dự án thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia, 228 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên).
Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương như: giống lúa ST, củ hành tím, Artemia Vĩnh Châu, trái cây Cù Lao Dung, nhãn tím Phong Nẫm, vú sữa tím Kế Sách...
Từ năm 2011 đến nay, cấp Sở, ngành đã triển khai 996 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí trên 193,7 tỷ đồng; ở cấp huyện có 992 nhiệm vụ KH&CN được triển khai với tổng kinh phí trên 148,4 tỷ đồng...
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt biểu dương kết quả, thành tựu của ngành KH&CN Sóc Trăng đạt được trong 30 năm qua. Thành quả đó sẽ tạo đà để hoạt động KH&CN của tỉnh gặt hái thêm nhiều thành tựu mới.
Bộ trưởng KH&CN mong muốn, ngành KH&CN Sóc Trăng tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có những đột phá về lĩnh vực này, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động cụ thể hóa nội dung của ngành trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cần xác định hướng nghiên cứu ưu tiên có tiềm năng ứng dụng và tác động đối với kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư có trọng điểm, đột phá. Địa phương phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành những doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong sản xuất.