“Khoác áo mới” cho hộ nghèo ngoại thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo với mức giảm bình quân mỗi năm từ 1 - 1,8%. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10% từ năm 2011, xuống còn khoảng 3,3% hiện nay, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người thu nhập thấp, thực hiện công bằng xã hội và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Nhiều giải pháp

Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, số hộ nghèo ở khu vực nông thôn của Hà Nội tăng đột biến. Cùng với đó, chuẩn nghèo và một số cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo ở các vùng không đồng bộ. Theo ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội thì hiện nay, số hộ nghèo nông thôn chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo toàn TP. Thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, TP Hà Nội đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ giảm nghèo khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, người dân đã được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ an sinh xã hội. Chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 10% (đầu năm 2011), xuống còn khoảng 3,3%.
 Nghề trồng cây thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã giúp bà con nâng cao thu nhập.     Trong ảnh: Sơ chế thuốc nam tại xã Ba Vì.    Ảnh: Công Hùng
Nghề trồng cây thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã giúp bà con nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Sơ chế thuốc nam tại xã Ba Vì. Ảnh: Công Hùng
 
Từ năm 2010 - 2013, hàng loạt giải pháp đồng bộ đã được triển khai như: Thực hiện chính sách khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống; tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cố định, lưu động; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi bò sinh sản... Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc còn nhiều lần trực tiếp xuống từng hộ dân, địa phương có số hộ nghèo cao để nắm bắt thực trạng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo và ra cơ chế hỗ trợ phù hợp cho từng địa phương. Thế nên, chỉ trong 3 năm, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 551.600 người. Tính riêng 9 tháng năm 2014, đã có 108.350 người có việc làm mới thông qua các phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng lao động, đi làm việc ở nước ngoài. 

Nâng cao đời sống nông dân

Để người dân vùng ngoại thành được "khoác áo mới", những năm gần đây, TP đã chú trọng nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm. Trên địa bàn hiện có 317 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, tư thục với sự đa dạng hóa các trình độ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng) và các hình thức dạy nghề (tại trường lớp, tại DN, tại làng nghề, tại xã, thôn...). "Nhờ đó, trong 3 năm triển khai dạy nghề cho lao động vùng nông thôn (2010 - 2013), đã có 77.945 người được tham gia học nghề. Trong đó có 5.935 người thuộc hộ nghèo, 3.729 người dân tộc thiểu số, 413 người khuyết tật, 1.042 người thuộc hộ cận nghèo, 11.158 người bị thu hồi đất. Các quận, huyện, thị xã đã tích cực liên hệ với các DN trên địa bàn tiếp nhận lao động vào làm việc ngay sau khi kết thúc khóa học. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 70 - 80%, trong đó có 78% học viên làm đúng với ngành nghề được đào tạo" - ông Khuất Văn Thành cho biết.

Và trong thành công đó, không thể không kể đến những tác động tích cực từ Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015". Bởi, sau hơn 3 năm thực hiện, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành Hà Nội đã được nâng cấp và hoàn thiện. Tính đến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24,324 triệu đồng/người/năm. Toàn địa bàn không còn nhà dột nát. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; mỗi năm đã giải quyết thêm việc làm cho từ 136.500 - 140.000 lượt lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1%...

Tuy hiện nay, một số hộ ở nông thôn còn tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo vì lo mất những khoản hỗ trợ từ TP. Nhưng, với tỷ lệ tái nghèo thấp cùng những chính sách giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội, hy vọng Thủ đô sẽ xóa được cái nghèo trong thời gian không xa.