Khoảng trống đáng lo ngại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đầu tư cho thanh niên" là chủ đề được Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) chọn làm thông điệp hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay.

Điều khiến những người làm công tác dân số trăn trở, băn khoăn nhất hiện nay là tình trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên.

Báo động nạo phá thai tuổi vị thành niên

Tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới tại Hà Nội, TS Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, việc đầu tư cho thanh niên hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tỷ lệ phá thai, phá thai lặp lại ở tuổi thành niên, thanh niên còn cao. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát cao, trong khi đó khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người vô sinh lại có nhiều hạn chế.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thống kê mới nhất của Hội KHHGĐ Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi năm, cả nước có 300.000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, chiếm 20% tổng số ca nạo phá thai, cao nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 5 thế giới. Với các chính sách tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), tỷ lệ nạo phá thai nhìn chung đã giảm khá nhiều, nhưng ở tuổi vị thành niên lại tăng lên đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ còn quá trẻ, các cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện, các "bà mẹ nhí" chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ, khiến con cái sinh ra dễ yếu ớt, trí não và thể chất không phát triển tốt. Ngoài ra, mang thai tuổi vị thành niên dễ gặp các tai biến trong sản khoa, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng tới tính mạng người mẹ. Còn việc nạo phá thai khi các bà mẹ còn ít tuổi cũng dễ gây tổn thương cho các cơ quan sinh sản, có thể gây ra vô sinh, hay để lại di chứng suốt đời.

Đầu tư cho thanh niên

Mới đây, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đã công bố khảo sát nhanh về thực trạng SKSS vị thành niên thực hiện năm 2014 trên gần 250 học sinh tại 2 trường THCS Hà Nội với kết quả, có gần 70% học sinh khẳng định, cha mẹ chưa từng có bất kỳ cuộc nói chuyện nào với con em mình về giới tính, SKSS trong vòng một năm qua; 14% học sinh không có nhận xét gì về vấn đề này do chưa từng nói chuyện với cha mẹ về giới tính; 18% khẳng định, cha mẹ không lắng nghe các em chia sẻ; 29% cho biết, bố mẹ chỉ lắng nghe và hiểu điều em đang nói nhưng không trao đổi gì thêm; 7,3% nói rằng, thay vì giáo dục, bố mẹ đã đưa ra những lời răn đe, cảnh báo về giới tính khiến các em cảm thấy thất vọng.

Trước thực tế trên, bà Lê Thị Lan Anh - chuyên viên CCIHP cho rằng, thanh niên vẫn chưa được tham gia vào quá trình ra quyết định những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong việc giáo dục giới tính, cha mẹ né tránh, nhà trường thờ ơ đã khiến trẻ em đơn độc "tự bơi", hậu quả là nhiều "tai nạn" đáng tiếc xảy ra. Đây không chỉ là một thách thức lớn cho công tác dân số mà điều đáng nói là nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tại Hà Nội, để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe vị thanh niên, thanh niên, TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong những năm qua, TP đã triển khai 56 mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 26 quận, huyện, thị xã. Hàng trăm mô hình Câu lạc bộ chăm sóc SKSS vị thành niên, mô hình tư vấn tiền hôn nhân… đã được duy trì và mở rộng. Tuy nhiên, tỷ lệ phá thai, bao gồm phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao và rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, TP tiếp tục đầu tư và quan tâm hơn đến các mô hình, câu lạc bộ cũng như lồng ghép chăm sóc SKSS tuổi vị thành niên, thanh niên trên tất cả các quận, huyện, xã, phường.

Về vấn đề này, ông Dương Quốc Trọng nêu quan điểm, ngay từ bây giờ, cần đầu tư có chiến lược vào chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ SKSS và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên và vị thành niên. Điều quan trọng là cần đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp tới thanh niên và vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.

 
Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh (tổng số trẻ trai được sinh ra trên 100 trẻ nữ) của Thủ đô tăng lên 1,5 điểm phần trăm so với năm 2013. Đặc biệt, ở một số quận, huyện, tỷ số giới tính khi sinh tăng đến mức rất đáng báo động, thậm chí có thể lọt vào tốp những địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Đó là các huyện Đan Phượng: 139/100, Phúc Thọ: 134/100, Sóc Sơn: 133/100, Mỹ Đức: 129/100.