Khóc không nước mắt...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buồn bã, bực dọc, chán chường, đau đớn, tủi nhục… là điều khiến người ta dễ phát khóc. Nhưng khi những cảm xúc như may mắn, hạnh phúc, sung sướng được đẩy lên tột đỉnh, cũng làm người ta dễ rơi lệ.

Tóm lại khóc là hình thức biểu đạt trạng thái tâm lý, cung bậc tình cảm của con người một cách trung thực.

Buồn vui của loài người đều giống nhau, tuy nhiên trong cuộc sống, không ít kẻ lấy khóc để mưu sinh, thì cái sự rơi nước mắt của họ không thể chứa đựng cảm xúc chân thực. Đấy đích thị là người làm trong những phường bát âm!

Người xưa nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”, chửa sai bao giờ. Ở thời buổi khó khăn, trong gia đình không may có người nằm xuống, lo được mồ yên mả đẹp, tất đã phải đôn đáo, chạy vạy khắp nơi. Và với những gia đình đông con hiếu, nhiều cháu thảo, cũng chẳng ai phải nhờ đến “thợ”; vậy nên đám khóc mướn cũng khó kiếm đất sống.

Nhưng đấy là chuyện quá khứ, thời nay ma chay khác xưa nhiều lắm. Ngoài tiếng khóc… thành tâm của con cháu ruột rà, ngày nay ít đám tang nào thiếu tiếng “hời” của phường bát âm.

Thông thường trong tang sự, phường bát âm sẽ căn cứ vào mối qua hệ giữa kẻ phúng viếng và người quá cố mà “tấu” lên những điệu, những “vai” khóc (kiểu ông ơi, bà ơi…) cho phù hợp. Đám tang càng đông người viếng, thì màn khóc hời càng nhiêu khê và kéo dài. Ỉ ôi theo điệu nhạc hiếu, tiếng khóc đem lại cho người nghe cảm giác hời hợt… dù các “khấp sĩ” có cố gắng tìm cách thể hiện.

Nhạc cụ của phường bát âm xưa gồm mấy loại như kèn bầu, đàn nhị, đàn bầu, trống con, trống cái… Ngày nay ngoài những thứ trên, đa phần các phường bát âm đều bổ sung thêm ghi ta điện, đàn organ và tất cả đều được “điện khí hóa”.

Ngoài những bản kinh điển, lúc “vào việc”, phường bát âm còn đưa cả ca khúc (như Lòng mẹ, Tình cha) của các tác giả hiện đại vào diễn. Không chỉ vậy, nhiều phường còn “vận” cả những điệu lý, những khúc dân ca (từ Bắc, chí Nam), chèo, cải lương vào chơi trong các đám hiếu một cách đầy “sáng tạo”!

Xét cho cùng, gọi là “khóc” cũng đúng, mà bảo rằng nó “hát” trong đám tang cũng chẳng sai. Vì vậy, để lột tả được tiếng khóc thuê là điều không hề dễ. Đã từng dự hàng chục đám hiếu, nên chúng tôi nghiệm thấy rằng, mỗi “cuộc khóc” đều có gì đó na ná giống nhau.

Nhưng điều buồn cười là “giống đấy, mà không giống, lại vẫn giống” vì vẫn chỉ là khóc đám ma; rất nhì nhằng mà lại không lẫn lộn. Với kiểu giọng đều đều, kể lể, bi ai đấy, nhưng không hề bi ai; nó là tổng hợp từ thứ tình cảm mang tên “dịch vụ”.

“Dịch vụ” này hiện đang là một thứ “dịch” lây lan rất nhanh trong đời sống thời hiện tại. Trong không ít đám hiếu, sự “lấn lướt” về thời gian, cường độ âm thanh của phường bát âm đã ảnh hưởng đến đời sống cư dân. Tuy nhiên với tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, cho nên hàng xóm, láng giềng rất ngại có ý kiến về việc này.

“Sống dầu đèn, chết kèn trống” quan niệm từ ngàn đời, vẫn chưa ai từ bỏ. Tuy nhiên, ngày nay nó có nhiều biến tấu, và tiếng khóc của phường bát âm không thể đòi hỏi có nước mắt. Thứ dịch vụ này dẫu có “đốt tiền”, cũng không thể tìm ra giọt lệ bởi hầu hết “khấp sĩ” không đủ “trình”, công việc của họ chủ yếu là “diễn” theo một lối mòn. Một thứ diễn của “vụng cả chèo lẫn chống”; nghe rất chối tai, nhưng vẫn đầy dư địa - khóc không nước mắt là vậy!

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần