Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi đầu của điện ảnh Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/12/1895, điện ảnh thế giới ra đời. Chỉ 3 năm sau, tại Việt Nam đã có buổi chiếu phim đầu tiên ở Sài Gòn, điện ảnh chính thức du nhập vào nước ta.

Những buổi chiếu phim đầu tiên ở Việt Nam

Nước Pháp là quê hương của điện ảnh thế giới, Việt Nam cuối thế kỷ 19 là thuộc địa của nước Pháp nên cũng sớm được tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.

Sau thành công của buổi chiếu phim đầu tiên tổ chức tại Salon Indien (Phòng Ấn Độ) nằm dưới tầng hầm của quán cà phê Grand Café ở Paris vào ngày 22/3/1895, đầu năm 1896, anh em nhà Lumière mở một lớp học trong 6 tháng đào tạo quay phim để truyền bá phát minh mới này.

Rạp chiếu phim Casino tại số 30 đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) là một trong những rạp phim đầu tiên tại Sài Gòn, được biết đến từ năm 1915. Ảnh: flickr
Rạp chiếu phim Casino tại số 30 đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) là một trong những rạp phim đầu tiên tại Sài Gòn, được biết đến từ năm 1915. Ảnh: flickr

Gabrielle Veyre, một học trò của anh em nhà Lumière, đã từ Thượng Hải tới Hà Nội và tổ chức buổi chiếu đầu tiên miễn phí cho công chúng… Tờ L'Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ) ngày 29/4/1899 đã ghi nhận sự kiện này.

Thế nhưng, theo thông tin trên tờ tuần báo Nam Kỳ số 6/10/1898 có một bài quảng cáo có đầu đề là "Hát hình máy" giới thiệu chương trình chiếu phim của ông D'Arc nào đó trước nhà Tổng đốc Chợ Lớn (nay là đường Lê Quang Liêm), có bán vé theo nhiều hạng. Tiếp đó là một số bài viết mô tả và đánh giá các buổi chiếu này đã làm cho công chúng "lạ kỳ quá sức"…

Như vậy, phải chăng Sài Gòn là nơi đã có những buổi chiếu phim đầu tiên mà lúc đó dân ta gọi là "hát hình máy", hay là "chiếu bóng", "chớp bóng"?

Nhận thấy tác dụng to lớn của điện ảnh trong việc tuyên truyền nên từ sớm chính quyền Pháp, cũng như nhiều nước khác đã rất quan tâm đến điện ảnh, sử dụng nó như một công cụ phục vụ cho các hoạt động chính trị, quân sự chứ không chỉ với vai trò văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918).

Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương cũng đã sớm xúc tiến việc phát triển chiếu bóng để tuyên truyền về nước Pháp trong cuộc đại chiến, về chính sách khai thác thuộc địa và “khai hóa văn minh”.

Toàn quyền Albert Sarraut, năm 1916, đã cho thành lập tại Phủ Toàn quyền một cơ quan chuyên trách về điện ảnh và nhiếp ảnh.

Họ chiếu phim về nước Pháp chiến thắng trong cuộc đại chiến thứ nhất và lợi dụng các buổi chiếu phim để vận động người dân mua "quốc trái" nhằm vơ vét tài lực của thuộc địa phục vụ cho cuộc chiến tranh của chính quốc. Các cuộc chiếu phim không dừng lại ở các đô thị mà còn tổ chức ở nông thôn.

Cũng Albert Saraut đã yêu cầu Bộ Chiến tranh Pháp cử một Ðoàn điện ảnh quân đội sang Đông Dương để quay phim về Việt Nam. Từ 1916 - 1918, đoàn này đã quay được 20 phim phóng sự, tài liệu giới thiệu về tài nguyên, tiềm năng kinh tế, những độc đáo về văn hóa Đông Dương… để thu hút đầu tư cho chương trình khai thác thuộc địa.

Những rạp chiếu phim đầu tiên ở Việt Nam

Rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam là rạp Pathé, do một người Pháp là Aste xây dựng tại Hà Nội, cạnh hồ Hoàn Kiếm, khánh thành ngày 10/8/ 1920.

Để có đất xây rạp, chủ rạp Aste người Pháp đã móc nối với Hội đồng TP phá một phần đền Bà Kiệu lấy mặt bằng xây rạp. Rạp lợp tôn, kê ghế gỗ, khánh thành ngày 10/8/1920. Rạp Pathé bị phá năm 1941 để dựng tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes.

Tiếp đó tới rạp Tonkinois ở phố Hàng Quạt. Chủ Tonkinois là một người Tây lai lấy vợ Việt Nam. Rạp này có buổi chiếu phim đầu tiên vào ngày 12/6/1921 và sau đó chuyên chiếu phim trinh thám, phiêu lưu nhiều tập, phim về chiến tranh.

Rạp Palace được xây dựng năm 1922 ở 42 phố Tràng Tiền. Thời tạm chiếm năm 1947 đổi tên là Eden, nay là rạp Công Nhân.

Nhằm nắm độc quyền và lợi nhuận từ kinh doanh chiếu phim, ngày 11/9/1923, người Pháp thành lập hãng Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma, IFEC) và năm 1930 là Công ty Chiếu bóng Đông Dương (Societé des cinéthéâtre d’Indochine).

Từ đó, rạp chiếu phim được xây dựng ở hầu khắp các TP. Năm 1927, tại Việt Nam có 33 rạp ( Hà Nội 4 rạp, Hải Phòng 2 rạp, Huế 2 rạp, Chợ Lớn 4 rạp, Sài Gòn 4 rạp, Cần Thơ 2 rạp)...

Năm 1932, Bắc Kỳ 27 rạp, Trung Kỳ 11 rạp và Nam Kỳ 13 rạp. Một số Hoa kiều cũng bỏ vốn xây dựng rạp nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu chiếu phim thuê của người Pháp và một số ít phim của Hồng Kông, Trung Quốc.

Nhà tư bản Vạn Xuân là người Việt Nam đầu tiên bỏ tiền xây rạp chiếu bóng Olimpia (nay là nhà hát Hồng Hà, Hàng Da, Hà Nội) vào năm 1936. Đến năm 1939, Việt Nam có 60 rạp chiếu phim.

Trước năm 1930, mỗi rạp chỉ lắp đặt một máy chiếu phim nên hết mỗi cuộn lại phải dừng chiếu để thay cuộn phim khác. Lúc đầu sàn phòng chiếu bằng phẳng, không có độ dốc, người xem phải ngồi trệt, sau rồi mới lắp ghế tựa hoặc ghế băng có dựa lưng. Từ cuối những năm 1930, các rạp mới được “hiện đại hóa” dần từng bước, có ban công, có ghế tựa bố trí lệch nhau, lắp quạt trần và tiến tới trang bị 2 máy chiếu.

Những bộ phim đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam

Sau những bộ phim tài liệu, phóng sự điện ảnh do đoàn điện ảnh quân đội Pháp thực hiện từ những năm 1918 - 1920, Công ty Phim và Chiếu bóng Ðông dương, sau khi thành lập (11/9/1923) đã sớm bắt tay vào sản xuất phim tại Việt Nam. Từ năm 1923 đến 1938, người Pháp đã sản xuất được 10 phim, trong đó có 3 phim truyện.

Phim truyện dài đầu tiên là phim “Kim Vân Kiều” (phỏng theo Truyện Kiều của Nguyễn Du) do ông Paul Thierry Giám đốc công ty và ông A.E. Famechon cải biên thành kịch bản văn học rồi dựng thành phim với độ dài 1.500m. Phim quay tại Hà Nội và làm hậu kỳ tại Pháp. Các vai diễn trong phim đều do các diễn viên Việt Nam đóng. Nhưng bộ phim đã không thành công về mặt nghệ thuật như mong đợi và bị thua lỗ nặng.

Năm 1925, Công ty lại cho ra mắt khán giả một phim truyện hài ngắn có tên là “Toufou” có độ dài 600m. Ðóng vai chính Toufou là một người Việt lai Hoa tên là Léon Chang.

Phim này yếu kém về nghệ thuật, bị báo chí và dư luận phản đối, và tiếp tục bị lỗ vốn nặng. Không dừng lại, năm 1927, Công ty Phim và Chiếu bóng Ðông Dương lại cho ra mắt bộ phim truyện thứ ba là “Huyền thoại Bà Ðế” có độ dài 1.000 m. Nội dung phim dựa theo truyện ngắn “Chuyện Bà Ðế” của Paul Munier phóng tác từ truyện dân gian

Việt Nam do Georges Specht đạo diễn, nói về nỗi oan khuất dẫn đến cái chết của một cô gái. Mặc dù được gửi sang chiếu ở Pháp nhưng phim này vẫn tiếp tục thua lỗ nặng nên từ đó Công ty Phim và Chiếu bóng Ðông Dương bỏ hẳn việc làm phim.

Người Việt Nam đầu tiên làm phim

Đó là ông Nguyễn Lan Hương (1887 - 1949), chủ hiệu ảnh Hương Ký. Từ một nhiếp ảnh gia, ông quyết chí làm phim và đã bỏ ra một số tiền rất lớn (200 piastres/tháng, tương đương 1.500 francs lúc đó) để mời một chuyên viên người Pháp về dạy cho mình làm phim; mua 2 máy quay và các dụng cụ trị giá 40.000 francs.

Năm 1924, bộ phim hài “Đồng tiền kẽm tậu được ngựa” - bộ phim Việt Nam đầu tiên được ông tự thực hiện. Phim dài 6 phút, có nội dung nhại lại câu chuyên ngụ ngôn về “Nàng Pê- rét và bình sữa” của nhà văn Pháp nổi tiếng La Fontaine.

Ngày 1/5/1926, ông Hương tiếp tục đưa ra trình chiếu 2 phim phóng sự : “Ðám tang vua Khải Ðịnh”, “Lễ tấn tôn đức vua Bảo Ðại” và được đón nhận nhiệt liệt.

Theo báo Trung Bắc tân văn (số ra ngày 14/1/1926) và nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc thì ông Hương Ký có cùng hãng Asia Film làm phim Phan Bội Châu do chính Cụ thủ vai chính để nói về sự nghiệp của Cụ.

Tiếp đó, ông Hương được Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đặt hàng làm hai phim phóng sự quay tại Trung Quốc (một trong hai phim là “Ðám tang Tướng Ðường Kế Nghiêu” làm năm 1929).

Nhưng sau đó người ta không thấy ông Nguyễn Lan Hương làm phim tiếp, mà trở về với nghề nhiếp ảnh của mình. Có người cho rằng người Pháp không muốn có một công ty Việt Nam cạnh tranh với Công ty Phim và Chiếu bóng của người Pháp đang bị thua lỗ nặng nề sau khi làm 3 phim thất bại nên đã ép ông Hương Ký phải dừng sự nghiệp của mình.

 

Điện ảnh vào Việt Nam khá sớm so với nhiều quốc gia khác và có đóng góp không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa nền văn hóa nước nhà. Tất nhiên là có vai trò của người Pháp. Nhưng người Việt Nam đã không hoàn toàn thụ động tiếp nhận điện ảnh mà còn sớm khẳng định năng lực sáng tạo để từng bước xây dựng nền điện ảnh mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.